Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 về tiền lương.
Theo đó, từ 1/11/2018, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại điểm a khoản 2 Điều 10 Chương IV của Nghị 49 mới hướng dẫn với đoạn: "Doanh nghiệp tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra theo quy định tại nghị định này. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra".
Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí
Nghị định 119/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 12/9/2019, đã quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí.
Cụ thể: Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.
Quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép quỹ tín dụng nhân dân
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân.
Thông tư quy định: Tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân dưới các hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; thủ tục thu hồi Giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân; thủ tục thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện trên cơ sở phương án tổ chức lại được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật.
Các trường hợp thu hồi Giấy phép: Quỹ tín dụng nhân dân tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép quỹ tín dụng nhân dân có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép; quỹ tín dụng nhân dân vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/11/2018.
Bỏ quy định cấp phép nhập khẩu tự động với xe phân khối lớn
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BCT về việc bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/11/2018.
Theo quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BCT, thương nhân nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên không phải đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu tự động tại Bộ Công Thương, chỉ cần làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định hiện hành.
Việc bãi bỏ hoàn toàn thủ cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên là một nỗ lực tiếp theo của Bộ Công Thương trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Phạt đến 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP đã bổ sung mức phạt từ 20-25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị phạt.
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Đồng thời, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng.
(Theo VnMedia)