Khi CPTPP có hiệu lực, sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó, 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân (DNDN) trong nước, các DNDN ở Yên Bái đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn khi tham gia với những thành viên có thị trường lớn và tiến bộ của CPTPP. Theo thống kê, đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 1.915 DN, chủ yếu là các DN có quy mô nhỏ. Trong đó, Công ty TNHH có 1.098 DN, công ty cổ phần 430 DN, DN tư nhân; 348 DN, DN FDI 25 DN, DN 100% vốn Nhà nước (địa phương quản lý) 10 DN…
Yên Bái là địa phương có tiềm năng và thế mạnh trên nhiều lĩnh vực: cùng với cơ chế chính sách thông thoáng và môi trường đầu tư thuận lợi đã và đang thu hút được những đối tác lớn trong và ngoài nước tin cậy đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội mới cho nhiều DN. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, các DN có cơ hội thuận lợi để tiếp cận và mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường lớn và tiềm năng như: Nhật Bản, Canađa, Mêhicô, Malaysia, Niudilân...
Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết: khi CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội mới trong vấn đề xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức nên đòi hỏi Công ty phải tiếp tục đầu tư các hạng mục thiết bị then chốt, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới và áp dụng công nghệ sản xuất sứ cách điện tiên tiến, tạo ra các sản phẩm mới và sản phẩm đặc thù để cạnh tranh với các nước trong khối.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu và việc làm tăng thêm hàng năm; các DN có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Đối với các DN ở Yên Bái, căn cứ phân loại theo nhóm ngành nghề thì đối với DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm, nhất là các DN sản xuất chế biến nông lâm sản, may mặc…
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: việc ký kết CPTPP sẽ tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Điều này, phù hợp với định hướng của tỉnh khi tận dụng lợi thế có chiều dài hơn 80 km của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn để quy hoạch, đầu tư cho thuê các khu công nghiệp phục vụ sản xuất. Như vậy, các DN kinh doanh cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Hơn nữa, tỉnh Yên Bái nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tây Bắc, nên việc tăng cường tự do thương mại sẽ thúc đẩy các hoạt động vận tải, các DN vận chuyển hàng hóa (đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa) sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi thương mại phát triển”.
Cùng với đó, khi CPTPP có hiệu lực, không những tạo động lực để duy trì đà cải cách kinh tế, tạo niềm tin cho DNDN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; có cơ hội nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến... với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Bên cạnh những cơ hội về mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại một cách toàn diện, mức cam kết rất sâu theo lộ trình 100% biểu thuế về mức 0%, không phân biệt đối xử với mọi thành phần kinh tế thì các DN sẽ gặp nhiều thách thức. Đó là về áp lực cạnh tranh.
Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh để sản phẩm hàng hóa của mình không những ổn định vững chắc trên sân nhà và hướng tới thị trường quốc tế đã và sẽ là nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết.
Thứ nữa, là vấn đề khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội để được hưởng cơ chế ưu đãi miễn, giảm thuế quan là không cao.
Nguyên nhân chính là do sản phẩm có chất lượng thấp và không ổn định, giá thành cao, các điều kiện về thương mại thiếu, yếu và chưa thật sự minh bạch, đặc biệt là các vấn đề về xuất xứ hàng hóa, về nhãn mác và bao bì đóng gói, về thủ tục hải quan, về cơ chế tiêu thụ và thanh toán quốc tế... còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Để hóa giải những thách thức trên, Yên Bái cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về CPTPP làm cho người dân và DN hiểu rõ, hiểu đúng, nắm bắt được cơ hội và thách thức. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng chính phủ - chính quyền hành động, sáng tạo, liêm chính, hiệu quả, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và luôn đồng hành cùng DN.
Đối với DN, cùng với đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, học tập và nâng cao năng lực quản lý, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh và bán hàng, xây dựng uy tín và văn hóa DN thì cần tìm hiểu kỹ những cam kết của CPTPP, nhất là những vấn đề về mở cửa thị trường; xóa bỏ thuế quan... cho các sản phẩm hàng hóa của DN; tìm hiểu và nâng cao năng lực thị trường, xúc tiến thương mại, về quy tắc xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, bao bì đóng gói... để tiếp cận các ưu đãi về thuế quan.
Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:
"CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh.
Vì vậy, các DN Yên Bái cần chủ động nắm bắt thông tin về Hiệp định và chuẩn bị tâm thế cạnh tranh, có tư duy sáng tạo, đổi mới để tận dụng tốt các cơ hội mà CPTPP mang lại”.
Ông Nguyễn Trọng Hữu - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo, huyện Trấn Yên:
"Tôi cho rằng, khi CPTTP đi vào thực tiễn sẽ có hàng loạt ngành được hưởng lợi như may mặc, thủy sản, nhất là sản xuất, xuất khẩu chè.
Vì vậy, muốn hướng vào các thị trường trong khối, bắt buộc các DN phải tiếp tục đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, sản xuất sạch, sản xuất đạt chứng chỉ của các nước nhập khẩu để cạnh tranh về giá, làm cho người dân và DN đều hưởng lợi”. |
Văn Tuấn