Xác định sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, huyện Văn Yên đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng gắn kết giữa công nghiệp địa phương với công nghiệp quốc doanh, giữa công nghiệp chế biến với phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, bền vững và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Năm 2018, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt 837 tỷ đồng, bằng 100,5% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2017, góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động; đồng thời cũng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện được đánh giá có bước phát triển khá và đúng hướng; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển mạnh, tăng trưởng bình quân gần 30%; công nghiệp tỉnh quản lý đạt tăng trưởng bình quân trên 10%. Mục tiêu huyện đề ra là giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2019 đạt 871 tỷ đồng và năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng.
Huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tế, quyết tâm tăng tốc phát triển CN-TTCN ngay từ đầu năm. Trước hết, huyện đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, tập trung nguồn lực xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch - thương mại tập trung ở vùng có lợi thế, gần nguồn nguyên liệu, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn tổng quan thiên nhiên và phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Huy động tối đa nguồn lực địa phương, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng, liên ngành.
Mời gọi và tạo điều kiện thu hút những doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp thành hàng hóa, tăng giá trị bán ra thị trường trong và ngoài nước. Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn lao động dồi dào của địa phương, tập trung vào phát triển một số ngành chế biến nông, lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thế mạnh của huyện gắn với vùng nguyên liệu như chế biến sắn, tinh dầu quế, chế biến chè, khai thác mỏ, sản xuất gạch chỉ...
Trong quá trình phát triển CN-TTCN thương mại dịch vụ, huyện đặc biệt quan tâm đến sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa.
Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã sử dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới và đồng bộ trong sản xuất, lực lượng lao động đều được đào tạo cơ bản và có tay nghề vững vàng. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lưu Trung Kiên – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết: "Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ tuyên truyền quảng bá các sản phẩm trên các kênh thông tin, các hoạt động lớn của huyện như festival, lễ hội… Bên cạnh đó, huyện đã có những chính sách ưu đãi riêng kết hợp với những chính sách đầu tư của Nhà nước trong việc mời gọi và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp trở thành hàng hóa, tăng giá trị bán ra thị trường trong và ngoài nước".
Với các giải pháp đề ra, hoạt động sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện Văn Yên sẽ có sự chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt là chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gia công sang sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
Lê Thanh