Năm 2018, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh được tăng cường, cùng với sự đồng thuận, phối hợp của các ngành chức năng địa phương đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng tổ chức thực hiện nghiên cứu các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Bên cạnh đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước sang năm 2018 và nhiệm vụ KH&CN mới năm 2018, ngành KH&CN Yên Bái còn chú trọng đánh giá kết quả, bàn giao sản phẩm các đề tài, dự án khoa học đã nghiệm thu cho các đơn vị có cam kết tiếp nhận kết quả, các ngành, huyện, thị, thành phố liên quan để quản lý, khai thác, ứng dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ cho công tác chuyên môn của ngành, đơn vị, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Theo đồng chí Đinh Khắc Tiến - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Khoa học, Sở KH&CN, trong 55 nhiệm vụ KH&CN của năm 2018, thì có tới 30 nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nhìn chung các nhiệm vụ đều được triển khai đảm bảo tiến độ theo đúng thuyết minh được phê duyệt. Trong đó được đánh giá cao và thiết thực là Đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.
Đề tài đã giúp các ngành chức năng, các tổ chức tham khảo, định hướng nghiên cứu và khuyến cáo nhân rộng áp dụng biện pháp kỹ thuật sử dụng phân bón cho vườn bưởi của gia đình, nhằm nâng cao năng suất chất lượng, mẫu mã quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng bưởi Đại Minh - cây đặc sản, chủ lực địa phương trong những năm tới.
Với Đề tài "Nghiên cứu tiềm năng và xây dựng giải pháp tái cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững giai đoạn 2017 - 2025 và định hướng đến 2030”.
Đề tài đã phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu tiềm năng đất nông nghiệp huyện Văn Chấn thông qua điều tra, đánh giá thực trạng việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp huyện Văn Chấn giai đoạn 2012 - 2016; xây dựng các bản đồ hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp và bản đồ phân hạng thích nghi đất đai cho nhóm cây trồng theo tiểu vùng sinh thái.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, Đề tài đã đề xuất các giải pháp tái cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững giai đoạn 2017 - 2025 và định hướng đến 2030. Hay Đề tài Nghiên cứu khảo sát hàm lượng Zerumbone từ cây gừng gió trên địa bàn huyện Văn Yên cũng là một đề tài được đánh giá có kết quả cao. Đề tài đã đưa ra phương pháp điều chế, phân lập Zerumbone từ loài gừng gió bằng phương pháp nghiên cứu hiện đại.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đem lại giá trị khoa học thực tiễn để nghiên cứu sản xuất các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng phục vụ hỗ trợ điều trị bệnh dựa trên các hoạt tính sinh học vốn có của củ gừng gió đặc biệt là hợp chất Zerumbone được phân lập từ loài cây này. Bên cạnh những đề tài nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, các đề tài phục vụ công tác quản lý cũng được các ngành tập trung nghiên cứu.
Nổi bật là Đề tài Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái. Đề tài này đã xây dựng được cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp hoàn chỉnh khai thác Online gồm 6 lớp cơ sở dữ liệu: hành chính, hiện trạng đất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, giá cả vật tư và sản xuất nông nghiệp, thư viện nông nghiệp và tình hình dịch bệnh vật nuôi với 47 bảng thuộc tính đi kèm. Đã xây dựng hoàn chỉnh trang thông tin và phần mềm với 5 nhóm chức năng và 320 chức năng giao diện hệ thống...
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành KH&CN Yên Bái tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp và thực hiện mới năm 2019. Hướng trọng tâm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và địa bàn nông thôn, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Khánh Linh