Nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam
Nhận định của Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, nguy cơ bệnh DTLCP từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao. Do hiện nay, trên thế giới DTLCP đã xuất hiện tại 20 nước, trong đó dịch bệnh đã được xác định lây lan rất nhanh từ các nước như Liên bang Nga sang Trung Quốc, Mông Cổ...
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14/2/2019, với 20 quốc gia báo cáo bệnh DTLCP, đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 14/2/2019, quốc gia này đã thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh. Trong đó, đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Hiện nay, các mối lo ngại lây nhiễm DTLCP sang Việt Nam vẫn hiện hữu do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán còn nhiều phức tạp.
Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam.
Tại nước ta, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Thời tiết biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh DTLCP.
Triển khai các giải pháp cấp bách
Trước nguy cơ cao xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển.
Tính đến hết tháng 1/2019, tổng cộng đã có 4.080 mẫu được xét nghiệm bệnh DTLCP, kết quả toàn bộ số mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với vi rút DTLCP.
Dù vậy, với tâm lý không chủ quan, ngành nông nghiệp xác định các biện pháp cấp bách để ngăn chặn không để dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam. Trong đó, tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để lợn và các sản phẩm lợn từ địa phương của các nước có bệnh DTLCP xâm nhập vào Việt Nam; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.
Chỉ đạo chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật. Duy trì và tăng cường hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y để bảo đảm yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh DTLCP.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh động vật, các biện pháp xử lý, mức hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
(Theo dangcongsan.vn)