Điểm nổi bật nhất trong chặng đường 6 năm qua (2014 - 2019) là Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích gieo trồng lúa từ một vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa hàng hóa ở các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Hát Lừu... nên sản xuất nông nghiệp của huyện tăng mạnh trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.915 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt dự ước đạt trên 23.236 tấn, tăng 3.325 tấn so với năm 2014.
Xã Trạm Tấu là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu gieo cấy giống ngô địa phương và làm lúa nương đạt năng suất chẳng được là bao. Từ khi có nghị quyết của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Đảng ủy xã Trạm Tấu đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây giống, đưa vào sản xuất giống năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, đặc biệt là trồng ngô đồi thay diện tích lúa nương kém hiệu quả và làm ruộng nước. Đến nay, gần như 100% diện tích sản xuất đều sử dụng các giống ngô mới: Ag 59, NK66..., năng suất đạt trên 56 tạ/ha/năm; giống lúa gồm Nhị ưu 838, ĐS-1, Nếp 87… năng suất đạt 49- 50tạ/ha/vụ. Toàn xã đã chuyển đổi được hàng trăm héc-ta lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ. Lương thực bình quân đầu người đạt gần 700 kg/năm.
Nếu như năm 2014 diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt toàn huyện có 6.456,65 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 19.911 tấn thì đến năm 2019 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.915 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt dự ước đạt trên 23.236 tấn, tăng 3.325 tấn so với năm 2014.
Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Có được kết quả trên, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi diện tích, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung tại các xã: Pá Hu, Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Mù, Xà Hồ, Tà Xi Láng”.
Theo đó, từ năm 2014 đến 2018, huyện Trạm Tấu đã thực hiện chuyển đổi 9.013 lượt ha cây trồng; trong đó, diện tích lúa đã hỗ trợ chuyển đổi 2.060 lượt ha với cơ cấu giống chủ yếu lúa lai Việt Lai 20, Nếp 87; hỗ trợ chuyển đổi 6.953 lượt ha diện tích ngô với cơ cấu giống ngô lai F1, AG59, LVN 885, LVN092, GS9989, DK6919, NK 4300, NK66.
Cùng đó, huyện Trạm Tấu chuyển đổi 160 ha đất trống sang trồng chè Shan. Đặc biệt, trong sản xuất lúa, ngô đều sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, có khả năng chịu rét tốt, chống đổ tốt, chống sâu bệnh và có tiềm năng năng suất cao.
Đặc biệt, huyện chỉ đạo xây dựng thực hiện 11 mô hình trồng trọt theo 2 mục tiêu chính: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng một số loại cây mới trên địa bàn tiến tới mở rộng quy mô trồng trên đất vườn, đất đồi như chanh đào, chanh leo, rau bò khai; hướng dẫn kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây măng sặt, khoai sọ, dưa bở để nâng cao sản lượng thu hoạch tạo thành sản phẩm đặc sản của địa phương. Đặc biệt, huyện đã triển khai và phát triển vùng nguyên liệu lúa Nếp 87 tại xã Hát Lừu quy mô 200 ha/2vụ/năm tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị cho kết quả cao.
Nhờ dám nghĩ, dám làm và đổi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, bộ mặt nông thôn mới ở Trạm Tấu đã chuyển biến rõ nét, đời sống của nhân dân không ngừng được đổi mới, đó là dấu ấn quan trọng để huyện sớm hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Văn Tuấn