Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại; trong đó, có trên 13.000 ha rừng trồng, nâng diện tích rừng trồng đạt trên 267.000 ha. Diện tích, sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng khá, nhưng chủ yếu là gỗ nhỏ; tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm từ 25 - 30%, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Người dân, doanh nghiệp trồng rừng vẫn chưa áp dụng các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu gỗ xẻ phục vụ cho sản xuất đồ mộc và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo tính toán, người dân, doanh nghiệp trồng rừng, bình quân mỗi héc - ta rừng kinh tế trồng bằng các loại cây như: keo, bồ đề, bạch đàn… sau 5 năm chu kỳ khai thác trung bình chỉ đạt 50 - 70 m3 gỗ, thu gần 70 triệu đồng/ha. Ngược lại, nếu các loại cây trồng này sau 10 - 12 năm mới khai thác thì thu bình quân từ 215 - 250 triệu đồng/ha.
Để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích có thể chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn.
Đồng thời, đã lập quy hoạch chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn là 4.300 ha keo tại huyện Yên Bình và Trấn Yên. Trong đó, Yên Bình 2.600 ha, Trấn Yên 1.700 ha; trồng thí điểm 115 ha rừng trồng keo tại huyện Yên Bình là 65 ha và Trấn Yên 50 ha; rà soát diện tích trồng rừng gỗ lớn 1.000 ha tại huyện Mù Cang Chải.
Yên Bình là một trong 4 huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, với trên 44.343 ha. Trung bình mỗi năm, huyện trồng mới từ 2.500 ha - 2.800 ha rừng, giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm đạt trên 265 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2014, Yên Bình thực hiện thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF).
Trong đó, có hoạt động giúp đỡ nông dân phát triển sinh kế tại huyện Yên Bình. Năm 2017, cấp chứng chỉ rừng cho 1.737,5 ha rừng tại 5 xã thị trần gồm: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; năm 2018, cấp chứng chỉ rừng cho 2.302,39 ha tại 3 xã: Bảo Ái, Tân Nguyên, Cảm Ân.
Ngoài ra, triển khai Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải C02 (Dự án KfW8), năm 2017 đã chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ sang kinh doanh gỗ lớn: 4.300 ha (DA Kfw8), năm 2018: 1.943 ha trên địa bàn 9 xã: Xuân Long, Bảo Ái, Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Văn Lãng, Cảm Ân, Yên Thành.
Theo các hộ tham gia Dự án thì bên cạnh tăng giá trị kinh tế từ 10 - 20% cấp chứng chỉ rừng đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân như: loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi... ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống.
Theo ông Hà Ngọc Quý - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là sản xuất rừng theo chuẩn thế giới, góp phần xóa bỏ trồng rừng theo kiểu tự phát, không áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa doanh nghiệp và người trồng rừng tiến đến cánh cửa bước ra thế giới với những sản phẩm gỗ chất lượng.
Có thể thấy, hiệu quả, trồng rừng gỗ lớn là rất rõ. Tuy nhiên, việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn hiện còn gặp nhiều khó khăn. Anh Lê Văn Trình - một hộ trồng rừng ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình chia sẻ: "Vẫn biết trồng rừng gỗ lớn cho giá trị cao hơn; tuy nhiên, có thể do mua phải giống xấu nên nhiều diện tích keo của gia đình trồng 5 - 6 tuổi là bị sâu bệnh phá hoại. Vì thế, gia đình không không dám để lâu hơn”.
Bên cạnh chất lượng giống thì vấn đề nan giải nhất vẫn là kinh phí nuôi rừng. Hiện nay, đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ tài chính cho một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn dài hơn 10 năm trồng rừng. Do đó, khi rừng trồng đến 5 hoặc 6 tuổi đã cho khai thác, thậm chí nhiều hộ còn bán rừng non.
Trước thực trạng trên, để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là việc cấp chứng chỉ rừng FSC thì các địa phương cần thực hiện rà soát quy hoạch đối với rừng sản xuất, ưu tiên một diện tích phù hợp để trồng cây gỗ lớn. Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng vào trồng rừng đạt 100%.
Đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Cần có chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng gỗ lớn theo từng nhóm chu kỳ kinh doanh cây trồng, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng để giảm bớt khó khăn và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng theo chuẩn thế giới đối với người dân.
Đặc biệt, cần hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ dân để đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học, kỹ thuật, các hộ dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có sản phẩm khai thác hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn để hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Văn Thông