Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, phải kể đến vùng chè gần 10.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 80.000 tấn/năm; vùng quế gần 60.000 ha, sản lượng tinh dầu quế mỗi năm trên 600 tấn; vùng cây ăn quả trên 7.000 ha, với các sản phẩm nổi tiếng như: cam đường canh, quýt sen, bưởi Đại Minh; vùng sắn gần 15.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 300.000 tấn, sản lượng tinh bột sắn đạt 40.000 tấn/năm; tre măng Bát độ gần 3.000 ha, sản lượng hàng năm trên 50.000 tấn măng; vùng trồng cây sơn tra khoảng 4.000 ha, sản lượng 3.000 tấn quả/năm…
Đặc biệt, Yên Bái được xếp vào tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp và đứng thứ 4 toàn quốc với sản lượng khai thác hàng năm trên 450.000 m3 gỗ; 120.000 tấn tre, nứa, vầu.
Tiềm năng, thế mạnh là vậy, nhưng một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh, đầu ra sản phẩm thấp, chất lượng chưa cao; nông dân vẫn thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, thị trường đầu ra không ổn định nên giá trị sản xuất nông nghiệp không cao.
Cùng đó là những khó khăn, hạn chế như: các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; phương thức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; hoạt động kinh tế hợp tác chưa cao; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa hiệu quả; hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, sự gắn kết sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế còn hạn chế…
Trước điều kiện, tình hình đó, ngay khi bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh chú trọng triển khai xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng quá trình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quy định và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo tổ hợp tác, hợp tác xã; khuyến khích doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói bao bì, tem nhãn, nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn liền với văn hóa địa phương và du lịch sinh thái.
Đến nay, sau gần 10 năm XDNTM, tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực chăn nuôi có chuỗi cá trên hồ Thác Bà, chuỗi ong mật Mù Cang Chải, chuỗi dâu tằm tơ Trấn Yên, chuỗi gà Minh Dư huyện Trấn Yên.
Lĩnh vực trồng trọt có chuỗi tre măng Bát độ huyện Trấn Yên, chuỗi bưởi Đại Minh, chuỗi gỗ keo Yên Bình, chuỗi miến đao Giới Phiên, chuỗi cam Văn Chấn, chuỗi lúa chất lượng cao Nghĩa Lộ. Bên cạnh 10 sản phẩm đã vào chuỗi giá trị, hiện nay, toàn tỉnh đã có 23 dự án của các địa phương ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh dự án và ký hợp đồng với đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
Qua đánh giá, những mô hình liên kết đi vào hoạt động đã phát huy được khả năng hợp tác với nhau từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến khâu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế cho đến tiêu thụ sản phẩm của thành viên, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên cho biết: "Nếu như mọi năm, đơn vị luôn phải tìm nguồn nguyên liệu thì sau khi tham gia Dự án chuỗi, mọi khâu từ trồng, thu hoạch, ép dầu đã khép kín. Sản phẩm dầu lạc cũng vì thế mà có chất lượng và giá cả hợp lý hơn”.
Có thể nói, việc triển khai liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã hình thành liên kết giúp cho sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, khắc phục được tình trạng "được mùa mất giá”. Tỉnh đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo Mường Lò…
Qua đó, dần tạo dựng được vùng sản xuất nguyên liệu có đầu ra ổn định; các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào trong quá trình triển khai đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người nông dân.
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển theo hướng tích cực, qua đánh giá, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành nông nghiệp đạt từ 4 - 5%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,9% so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trên 10%/năm…
Hùng Cường