Phát huy lợi thế, tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà rộng lớn, huyện Yên Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi thủy sản và luôn là địa phương dẫn đầu trong phát triển và chăn nuôi thủy sản của tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt, chăn nuôi thủy sản đã có một bước chuyển căn bản từ đánh bắt tự nhiên sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng với khối lượng và chất lượng ngày một cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Yên Bình đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ, mời gọi các nhà đầu tư vào khai thác, chăn nuôi thủy sản tập trung trên hồ Thác Bà.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân nuôi cá eo ngách, nuôi cá lồng với trên 1.750 lồng. Bằng những cách làm cụ thể, hiệu quả sản lượng khai thác thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu như cả năm 2018 sản lượng mới đạt trên 7.500 tấn, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 sản lượng khai thác đã đạt trên 4.400 tấn, dự ước cả năm đạt trên 8.500 tấn.
Thịnh Hưng là xã có truyền thống sản xuất kinh doanh chè thì nay người dân đổ xô đi nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân còn liên doanh, liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng chục lồng cá và cả hàng chục héc-ta eo ngách nuôi chủ yếu cá nheo, cá lăng, cá trắm cỏ và rô phi đơn tính.
Riêng năm 2018, HTX Nuôi trồng thủy sản Thác Bà đã xuất bán trên 80 tấn cá nheo, cá lăng thu về trên 4,2 tỷ đồng. HTX Thủy sản Hoàng Kim với 225 lồng cá được đầu tư, thiết kế bài bản, đang nuôi hàng triệu con cá diêu hồng, cá rô phi, cá lăng, cá nheo và cá trắm đen, dự kiến năm 2019 HTX thu không dưới 700 tấn cá các loại.
Việc phát triển và chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Yên Bình nói chung và trên vùng hồ Thác Bà nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Để chăn nuôi thủy sản ngày một phát triển hiệu quả, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Yên Bình đã và đang xây dựng bản đồ quy hoạch phát triển thủy sản hồ Thác Bà huyện Yên Bình giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu là kiểm soát việc phát triển số lượng nuôi, dịch bệnh tại các khu vực nuôi cá lồng, cá quây lưới trên hồ Thác Bà; chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xử lý các sự cố, rủi ro về môi trường trong hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà; hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi cá lồng thực hiện đúng phương án nuôi cá lồng tại các xã, thị trấn được giao quản lý mặt nước hồ Thác Bà.
Đối với các xã tại vùng II, gồm xã Đại Đồng, Tân Hương, thị trấn Yên Bình giữ nguyên hiện trạng số lồng, vị trí đặt lồng cách xa tối thiểu 1 km so với cửa lấy nước của Nhà máy Nước Yên Bái để đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt...
Huyện quy hoạch vùng tập trung nuôi cá lồng tại xã Thịnh Hưng, Hán Đà và thị trấn Thác Bà, đáp ứng nhu cầu nuôi cá của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nuôi trồng thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị, đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi công nghệ cao, đặt lồng nuôi tại các vị trí thông thoáng để giảm thiểu ô nhiễm nội vùng.
Vùng I, gồm các xã: Thịnh Hưng, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh và thị trấn Thác Bà phát triển với quy mô 1.500 lồng. Các xã vùng II gồm thị trấn Yên Bình, xã Đại Đồng, xã Tân Hương giữ nguyên hiện trạng với quy mô 330 lồng. Vùng III, gồm các xã: Cảm Ân, Mông Sơn, Bảo Ái, Tân Nguyên, Ngọc Chấn, Xuân Long, Phúc Ninh phát triển 630 lồng... Đối với cá quây lưới và eo ngách giữ nguyên hiện trạng để đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và quy hoạch phát triển du lịch. Quy hoạch vùng tập trung phát triển tại các xã: Mông Sơn, Phúc Ninh, Xuân Lai, Hán Đà, Thịnh Hưng, Vũ Linh. Tổng diện tích quây lưới nuôi cá ở các eo ngách sau quy hoạch 350 ha.
Xây dựng bản đồ quy hoạch phát triển thủy sản hồ Thác Bà và xây dựng dự án phát triển chăn nuôi thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu, xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá hồ Thác Bà là cơ sở để chăn nuôi thủy sản phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Ngọc Trúc