Tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các sản phẩm đặc trưng như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển thủy điện; mặt hàng thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm từ nông nghiệp.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành một số vùng nguyên liệu nông sản tập trung như: vùng chè 7.800 ha, mỗi năm thu hoạch 70 nghìn tấn chè búp tươi, chế biến 26 nghìn tấn chè khô các loại; vùng quế 76 nghìn ha, sản lượng quế vỏ khô hàng năm đạt gần 10 nghìn tấn và trên 500 tấn tinh dầu quế; vùng sắn trên 12 nghìn ha, mỗi năm thu hoạch gần 300 nghìn tấn củ tươi và chế biến chủ yếu ra sản phẩm tinh bột sắn với trên 30 nghìn tấn/năm; vùng tre măng Bát Độ trên 4 nghìn ha, sản lượng măng tươi hàng năm trên 70 nghìn tấn….
Các sản phẩm nông sản của tỉnh được tiêu thụ trong nước và xuất sang các thị trường: Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ngoài ra, Yên Bái còn có nhiều tiềm năng trong ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy điện, đặc biệt là phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Nhiều loại khoáng sản quý hiếm, giá trị cao đã và đang được khai thác, chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tranh đá quý, chế tác đá cảnh, các sản phẩm từ đá Ruby, Opal, thạch anh…
Một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác đang được chế biến và tiêu thụ rộng rãi như vải thổ cẩm của người Thái, người Mông, các sản phẩm chế tác từ gỗ, quế…
Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất 10 mặt hàng chủ lực như: chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, nuôi trồng và khai thác thủy sản, quế, sơn tra, măng tre Bát Độ, trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, cây lương thực và 10 sản phẩm đặc sản như: nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan Suối Giàng, gà đen vùng cao, lợn bản địa, vịt Lâm Thượng, quế, cây dược liệu…
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ thuế, hải quan, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào địa bàn, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là trong xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong sản xuất kinh doanh, những giải pháp tìm kiếm thị trường, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương cũng như các tỉnh tạo điều kiện về cơ chế xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bao bì, nhãn mác…giúp doanh nghiệp phát triển. Nhà cung ứng, nhà phân phối đã có dịp trao đổi trực tiếp, chuyên sâu về những vấn đề cụ thể, chi tiết, doanh nghiệp cung ứng và đơn vị thu mua có cơ hội tìm hiểu và dễ dàng kết nối với nhau hơn để từ đó định hướng từ sản xuất cái mình có sang sản xuất cái người tiêu dùng cần…
Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2019 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng đáp ứng nhu cầu của nhiều đơn vị trong chuỗi cung ứng cung cầu hàng hóa, nhất là hỗ trợ sản phẩm đặc sản địa phương; nông sản thực phẩm an toàn tìm được đầu ra và tiến tới xuất khẩu.
Tại Hội nghị đã có 10 hợp đồng nguyên tắc và 15 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Yên Bái và các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ được ký kết.
Thông qua Hội nghị, đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ nắm bắt được tín hiệu thị trường, định hướng sản xuất, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng…, qua đó khai thác tiềm năng vùng miền và thế mạnh của địa phương.
Tại Hội nghị đã có 10 hợp đồng nguyên tắc và 15 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Yên Bái và các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ được ký kết.
Văn Thông