Là tỉnh miền núi, Yên Bái là nơi hội tụ nhiều điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng để hình thành nên những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như: gạo nếp tan Tú Lệ, chè Suối Giàng, cá hồ Thác Bà, quế Văn Yên, cam Lục Yên, Văn Chấn, bưởi Đại Minh Yên Bình... Các sản phẩm đặc sản trên đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua.
Để các sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến tiêu thụ nông - lâm sản áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, sản phẩm có chứng nhận, từ đó xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 83 đơn vị đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP; 6 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, tỉnh cũng luôn chú trọng tổ chức và hỗ trợ các đơn vị sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Yên Bái đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang những thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung, có hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, phải kể đến việc phát triển chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà. Những năm qua, người dân cũng như nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã và đang làm giàu từ mô hình liên kết nuôi cá lồng. Trên địa bàn huyện Yên Bình đã có 2 doanh nghiệp, 5 HTX và trên 300 hộ dân nuôi cá lồng và cá quây lưới trên hồ Thác Bà. Hiện nay, trên hồ Thác Bà có 1.800 lồng cá, sản lượng thủy sản năm 2019 đạt 10.500 tấn.
Đặc biệt, tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận cho "Cá hồ Thác Bà” giúp cho sản phẩm cá hồ Thác Bà vươn xa. Yên Bái cũng là tỉnh có diện tích quế lớn nhất nước, trong đó, huyện Văn Yên được mệnh danh là "thủ phủ” cây quế. Nhiều hộ dân trồng quế mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.
Đối với vùng quế Văn Yên từ năm 2010 sản phẩm quế còn được Cục Sở hữu trí tuệ trao quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh sản phẩm quế vỏ, còn có nhiều sản phẩm quế khác như tinh dầu, quế bột, đồ mỹ nghệ, bao bì; các mặt hàng, sản phẩm quế đều được xuất khẩu ra thị trường quốc tế với những tiêu chuẩn khắt khe, nhờ đó mà giá trị của các sản phẩm quế sau chế biến tăng lên gấp nhiều lần.
Để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của Yên Bái đến được các thị trường lớn trong và ngoài nước, giai đoạn 2019 - 2020 Yên Bái xây dựng 20 sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao, trong đó có 5 sản phẩm hạng 3 sao được xây dựng năm 2019 là: miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng cù Nghĩa Lộ, bưởi Đại Minh. Các sản phẩm này đều là những đặc sản nổi tiếng của Yên Bái đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh Yên Bái đã tổ chức các tuần lễ giới thiệu hàng nông sản Yên Bái tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Trung tâm thương mại BigC Thăng Long; tại siêu thị Hapromart C13, Thành Công... Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản của Yên Bái tại thủ đô Hà Nội.
Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, nhiều mặt hàng nông sản của Yên Bái đã có mặt trong các siêu thị lớn. Trong năm 2019, tỉnh Yên Bái đã đưa 7 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản bày bán tại các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội. Hình thức hợp tác này mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để những mặt hàng nông sản xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại với hợp đồng dài hạn, ổn định và khối lượng lớn.
Sự liên kết giữa nhà nông, nhà sản xuất với doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ giúp người tiêu dùng có những lựa chọn đa dạng, phong phú hơn mà còn góp phần để các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Yên Bái phát huy được giá trị.
Đây sẽ là động lực cho nông dân, các doanh nghiệp, HTX ở Yên Bái nâng cao được chất lượng các sản phẩm, sản xuất đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ một cách bền vững, giúp các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng và phát triển sản xuất.
Nguyễn Hồng