Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện; đồng thời, giao khoán trên 22.186 ha rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ.
Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện ký hợp đồng giao khoán trên 20.055 ha tại 8 xã cho 53 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ; UBND xã Xuân Tầm và Phong Dụ Thượng giao khoán 2.131,13 ha rừng tự nhiên phòng hộ có chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 8 nhóm hộ bảo vệ.
Đối với 14.954 ha rừng tự nhiên sản xuất cũng đã được UBND các xã ký hợp đồng giao khoán cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ bằng nguồn ngân sách tỉnh. Việc giao khoán bảo vệ rừng (BVR) cho các nhóm hộ đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống gần rừng trong việc quản lý, BVR tự nhiên phòng hộ, rừng tự nhiên đặc dụng.
Ông Đặng Đăng Thanh – Tổ trưởng Tổ BVR thôn Làng Mới, xã Đại Sơn cho hay: "Tổ BVR thôn Làng Mới hiện có 30 thành viên, nhận khoán quản lý, bảo vệ 777 ha rừng tự nhiên đặc dụng tại thôn Làng Bang, Khe Phầy, Đá Đứng, xã Đại Sơn giáp ranh với thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu. Diện tích rừng đặc dụng này còn nhiều loại gỗ quý như: sến, táu, dổi, sâng…, cần quản lý bảo vệ nghiêm ngặt mới giữ được các loài gỗ quý hiếm này. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì thế tôi đã xây dựng kế hoạch phân công cho các thành viên của tổ bảo vệ từ tháng 1 đến tháng 12 ngay từ đầu năm.
Mỗi tháng, Tổ tuần tra cố định 2 lần và tổ chức tuần tra đột xuất từ 1 – 2 lần trên diện tích 777 ha rừng đặc dụng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái phép, hoặc phát lấn rừng để trồng quế. Những năm trước đây, chúng tôi đã ngăn chặn được một số đối tượng vào rừng khai thác gỗ nhỏ lẻ về sử dụng và ngăn chặn được nhiều vụ phát lấn rừng để trồng quế, riêng năm 2019, qua công tác tuần tra, Tổ đã phát hiện 1 vụ phát lấn rừng để trồng quế với diện tích khoảng 100 m2, lập biên bản gửi lên UBND xã xử phạt hành chính và yêu cầu đối tượng không được tái phạm...”.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, BVR và PCCCR nên trong suốt 11 năm qua, diện tích 777 ha rừng đặc dụng do ông Đặng Đăng Thanh làm tổ trưởng luôn được quản lý, bảo vệ tốt, không để xảy ra một vụ cháy rừng nào; các vụ khai thác lâm sản trái phép hay phát lấn rừng để trồng quế đã được ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với công tác giao khoán BVR, huyện đã kiện toàn các ban chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ huyện đến cơ sở, duy trì củng cố 158 tổ, đội xung kích BVR và PCCCR; cấp phát trên 2.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền PCCCR cho các chủ rừng, đồng thời ký cam kết BVR và PCCCR tới 3.000 hộ dân sống gần rừng. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp và tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho cán bộ tại các xã và các tổ BVR…
Đặc biệt, trong mùa khô hanh hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các tổ, đội BVR tại các xã tăng cường công tác tuần tra kịp thời phát hiện, xử lý các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và phát xâm lấn rừng và vi phạm các quy định về PCCCR.
Năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện và các ngành chức năng cùng với UBND các xã, thị trấn trong huyện đã phát hiện xử lý và tham mưu với UBND huyện xử lý 60 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 3,025 m3 gỗ các loại, xử phạt vi phạm hành chính trên 323 triệu đồng.
Công an huyện và Hạt Kiểm lâm đã phối hợp khởi tố 2 vụ án hình sự về các tội: hủy hoại rừng xảy ra tại xã Phong Dụ Hạ và vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra tại xã Nà Hẩu.
Do làm tốt công tác quản lý, BVR và PCCCR, nhất là việc quản lý chặt chẽ sản xuất nương rẫy và sử dụng lửa khi vào rừng nên trong niên vụ khô hanh năm 2018 – 2019 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nào, diện tích rừng đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng giảm hơn so với những năm trước.
Minh Hằng