"Cậu ấy là một chàng trai siêng năng, dám nghĩ, dám làm...” - đó là lời nhận xét mà người dân thôn Tân Bình, xã Tân Hương dành cho Vũ Mạnh Thắng- chủ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp nuôi thỏ và trồng cây ăn quả.
Trải qua nhiều ngành nghề nhưng thu nhập không ổn định, rồi cơ duyên đưa anh đến với nuôi thỏ thật tình cờ khi anh tới thăm trang trại thỏ ở thành phố Yên Bái. Thấy thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao và kỹ thuật nuôi không quá khó và giấc mơ trở thành ông chủ trại thỏ của anh Thắng bắt đầu từ đó. Khởi đầu không bao giờ là dễ dàng, bởi khi bắt đầu nuôi 10 cặp bố mẹ giống thỏ New Zealand, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đàn thỏ của anh liên tục bị bệnh rồi chết.
Song, không nản lòng, anh Thắng tiếp tục nghiên cứu tập tính giống loài này và học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi. Nhờ vậy, đàn thỏ ngày càng phát triển tốt, số lượng tăng đều qua hàng năm. Đến nay, đàn thỏ của anh có trên 1.100 con; trong đó, thỏ sinh sản 140 con, còn lại là thỏ thương phẩm. Được khách hàng đánh giá có chất lượng thịt thơm, ngon nên anh không phải lo lắng đầu ra.
Ngoài các nhà hàng tự đến thu mua, anh Thắng còn cung cấp thỏ giống cho bà con trong, ngoài xã. Trung bình mỗi năm anh xuất bán khoảng 7 tấn thỏ, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí cho lãi trên 150 triệu đồng.
Từ hiệu quả mô hình nuôi thỏ của anh Thắng, nhiều người dân và đoàn viên thanh niên trong tỉnh đến tham quan, học hỏi và anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ.
Đoàn viên Vũ Mạnh Thắng bên ngoài phía trái giới thiệu về quá trình nuối thỏ của mình với cán bộ Huyện đoàn Yên Bình.
"Để đảm bảo đàn thỏ luôn khỏe mạnh, tôi chú trọng khâu chọn giống rồi áp dụng quy trình phòng bệnh chặt chẽ; thỏ giống được tiêm vắc-xin định kỳ 6 tháng/lần. Đồng thời, nguồn thức ăn sạch và việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát cũng được đặc biệt quan tâm”-anh Thắng chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở nuôi thỏ, anh Thắng còn tận dụng lợi thế đất đồi để trồng 100 gốc thanh long ruột đỏ, 1ha quế và nuôi 30 đàn ong mật. "Từ lợi thế sẵn có, cùng sự nỗ lực của bản thân, tôi nghĩ mình không phải đi đâu xa để làm giàu, mà chính quê hương mình sẽ là nơi cho mình thử sức và cho mình trưởng thành” - anh Thắng bộc bạch.
Cũng đang bước trên con đường làm giàu ngay tại quê hương, cô gái người dân tộc Dao Lý Thị Sam Sung ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh đã và đang là tấm gương tiêu biểu trong số những thanh niên nông thôn làm giàu tại quê hương.
Sam Sung là một trong 1.000 đại biểu tiêu biểu được lựa chọn tham dự Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra hồi tháng 12/2019.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm du lịch cộng đồng với 2 nhà sàn tiếp đón khoảng 40 khách và hệ thống 3 phòng nghỉ khép kín. Phát huy lợi thế đó, Sam Sung nỗ lực học hỏi, trau dồi ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách nước ngoài; đồng thời, tận dụng mạng xã hội để kết nối với các trang web lớn về đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, mời gọi du khách. Hàng năm, gia đình Sam Sung đón trên 1.000 du khách, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ hiệu quả mô hình của gia đình và mong muốn các gia đình trong xã cùng tham gia phát triển kinh tế, năm 2019, Sam Sung mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng thôn Ngòi Tu với 3 thành viên ban đầu là các bạn trẻ trong xã; dự kiến trong năm nay, sẽ phát triển thêm 2 thành viên tham gia. Tổ hợp tác này không chỉ tạo việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn nâng cao nhận thức về giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.
Chị Sam Sung bày tỏ: "Là thế hệ trẻ và nhận thấy thế mạnh du lịch của địa phương, tôi mong muốn các bạn trẻ cùng chung tay xây dựng để quê hương mình ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp du khách có được không gian trải nghiệm truyền thống về nét đẹp thiên nhiên, văn hóa và sự thân thiện, mến khách người dân tộc Dao. Đồng thời, từ Tổ hợp tác Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng, các thành viên cũng như người dân sẽ nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường văn minh, sạch đẹp, an toàn và sự chuyên nghiệp trong tiếp đón, phục vụ du khách”.
Trước thực trạng thanh niên nông thôn đi làm ăn xa ngày càng tăng thì những mô hình phát triển kinh tế như anh Thắng, chị Sam Sung hay nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao của đoàn viên thanh niên khác ở huyện Yên Bình là minh chứng rõ nét và khẳng định dù khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng với thanh niên nông thôn, song với nghị lực, sự sáng tạo không ngừng, chắc chắn các bạn trẻ sẽ thành công nếu biết chọn cho mình hướng đi phù hợp.
Thanh Chi