Là huyện có nhiều tiềm năng về khí hậu, đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, thực hiện Chương trình OCOP, năm 2020, huyện Lục Yên đăng ký 6 sản phẩm tham gia Chương trình và đến nay toàn huyện có 5 sản phẩm: dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn và dầu lạc trắng, dầu vừng Thái Sơn và dầu đỗ tương (5 sản phẩm này của HTX Thái Sơn), với kết quả đánh giá cấp tỉnh của 5 sản phẩm này đều đạt 3 sao.
Hiện, Lục Yên đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm: măng mai khô, cam sành và dự kiến đánh giá 2 đợt vào tháng 11, tháng 12 năm 2020.
Ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn cho biết: "Là cơ sở dầu ăn uy tín ở huyện Lục Yên, HTX có hàng trăm mối khách hàng trong, ngoài tỉnh và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên, để khẳng định giá trị và mức độ an toàn thực phẩm, chúng tôi đăng ký xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP và ngày 6/8/2020 các sản phẩm của HTX Thái Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao”.
Mỗi năm, HTX Thái Sơn chế biến 8.000 - 10.000 lít dầu lạc đỏ và lạc trắng, 1.000 lít dầu đậu tương, 5 tấn lạc ri vỏ đỏ và tính ra mỗi năm HTX tiêu thụ cho nông dân huyện Lục Yên khoảng 20 - 25 tấn lạc các loại. Đây là đầu mối thu mua lớn nhất tạo điều kiện cho nông dân ổn định phát triển sản xuất.
Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển sản phẩm đặc thù, nhưng Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Lục Yên vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn ít, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có của mỗi địa phương nói riêng và của huyện nói chung.
Nguyên nhân là do cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm; các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu về năng lực, tài chính, yêu cầu hồ sơ để đánh giá sản phẩm nhiều và cao; do đó, tiến độ thực hiện còn chậm.
Một số sản phẩm phụ thuộc vào mùa vụ nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Sự vào cuộc của chính quyền các xã, thị trấn chưa thực sự rõ nét nên công tác này mới chỉ dừng lại ở các cơ quan chuyên môn cấp huyện trực tiếp tham mưu, hướng dẫn.
Người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của Chương trình OCOP; sản xuất hàng hóa chưa tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm; sự vào cuộc của người dân và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; các sản phẩm đặc trưng của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp; người dân chưa chú trọng việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng…
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên trao đổi, để phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP, Phòng đã đề xuất, tham mưu với các cấp, ngành của huyện tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP; từ đó, kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy.
Các địa phương rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia Chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài.
Huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời thông qua các chính sách để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện; phối hợp thực hiện hiệu quả việc tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào sản phẩm.
Phát triển sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiếp cận theo thị trường; trong đó, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.
Quang Thiều