Các KCN đã thu hút được 61 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11.680 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký 340 ha. Trong đó, có 56 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án FDI, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 47,67% và hiện đã có 31 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động sản xuất ổn định.
Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại các KCN đạt 9.947 tỷ đồng; doanh thu trên 12.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gần 103 triệu USD; thu nộp ngân sách trên 411 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 80%.
Tuy nhiên, Yên Bái là tỉnh miền núi nên việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN là rất khó khăn; nguồn vốn ngân sách hàng năm đầu tư cho hạ tầng các KCN còn hạn chế. Do vậy, hầu hết hạ tầng của các KCN đều chưa được đầu tư đồng bộ, khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, tỉnh đã xây dựng phương án phát triển các KCN để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, chú trọng xây dựng các KCN mới bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như: KCN Y Can - Minh Tiến thuộc huyện Trấn Yên, KCN Tân Hợp thuộc huyện Văn Yên; tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển các KCN; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN; dần dần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.
Cùng đó, tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN; hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư hạ tầng các KCN.
Tỉnh xác định đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, trong đó, ưu tiên đối với các ngành tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, các ngành nghề có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của tỉnh với tiêu chí phải phù hợp với các quy hoạch chung và đặc thù của tỉnh; chú trọng vào các lĩnh vực có thể khai thác các thế mạnh của tỉnh, như các dự án chế biến nông - lâm sản; ngành sản xuất phụ trợ (linh, phụ kiện); sản xuất năng lượng từ nguyên liệu tái tạo (điện sinh khối); cơ khí, luyện kim (sản xuất thiết bị, khí cụ điện; sản xuất thép tấm, thép ống, ống kẽm, ống nhựa…).
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho hoạt động của các nhà đầu tư vào các KCN; ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN để giải quyết hiệu quả, nhanh chóng các vấn đề có liên quan trực tiếp đến đầu tư vào các KCN.
Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; có giải pháp hiệu quả để khắc phục ngay tình trạng một số nhà đầu tư "giữ đất” trong khi kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế hoặc chậm triển khai dự án; kiên quyết xử lý về mặt pháp lý đối với những dự án hết thời hạn đầu tư, không có năng lực đầu tư.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng - kỹ thuật đồng bộ, thu hút được nhiều dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Hà Anh