Theo đó, Đảng bộ huyện đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, 4 chương trình trọng điểm và 8 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: "Một trong những lợi thế của Mù Cang Chải là tỷ lệ che phủ rừng của huyện hiện nay đạt 67,1% với trên 82.000 ha rừng các loại. Từ đó, huyện chủ trương có kế hoạch phát triển rừng bền vững, gắn với cho thuê dịch vụ môi trường rừng để đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nhất là phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với phát triển du lịch để vừa đảm bảo đa dạng sinh học, tạo hệ sinh thái đặc trưng, bền vững vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân”.
Bên cạnh đó, nhìn từ lợi thế địa lý, Mù Cang Chải có khoảng cách khá gần với thành phố Sơn La 110 km, Lai Châu 130 km, thị xã Sa Pa của Lào Cai 145 km... Nếu các tuyến giao thông này được nâng cấp và mở thêm một tuyến kết nối Mù Cang Chải với huyện Văn Yên để kết nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì không chỉ phá được thế độc đạo của quốc lộ 32 hiện nay mà còn tạo sự kết nối với các địa phương trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của cả khu vực.
Với định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đã vận động nhân dân khai hoang trên 300 ha ruộng, đưa diện tích ruộng bậc thang toàn huyện đạt trên 4.570 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước đạt trên 45.150 tấn, tăng gần 10.000 tấn so với năm 2015; trồng mới được 3.349 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 61% năm 2015 lên trên 67% năm 2020, vượt 6,3% so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
Huyện đã hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và một số chuỗi liên kết giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa như: sơn tra, mật ong, gà đen Mù Cang Chải..., đưa giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 566 tỷ đồng, tăng 54%, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết. Hàng năm, kinh tế đồi rừng đem lại nguồn thu từ 300 - 400 tỷ đồng cho nhân dân chủ yếu từ sơn tra, thảo quả, khai thác chế biến gỗ rừng trồng và một số loại dược liệu quý.
Cùng với đó, người dân còn được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ nguồn phí dịch vụ môi trường rừng - đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn ở địa phương. Khai thác lợi thế, khuyến khích phát triển kinh tế du lịch, những năm qua, lượng khách du lịch đến với Mù Cang Chải tăng mạnh, trung bình 100.000 lượt người/năm.
Trong đó, năm 2019 đạt trên 250.000 lượt (khách quốc tế 30.000 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015. Riêng trong tháng 9/2020, lượng khách đến với địa phương đạt trên 70.000 lượt, chủ yếu là khách du lịch trong nước.
Thực hiện phát triển du lịch chủ động, bền vững, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, phát huy lợi thế, huyện chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc.
Trong đó, xây dựng mới một số quy hoạch, kế hoạch, đề án trung và dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và phát triển du lịch như: Đề án phát triển thương hiệu du lịch huyện Mù Cang Chải; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết thị trấn Mù Cang Chải và vùng phụ cận theo hướng phát triển đô thị du lịch phù hợp với điều kiện cảnh quan tự nhiên; thu hút đầu tư, quy hoạch khu đô thị mới tại trung tâm xã Nậm Khắt và vùng phụ cận; khu vực Ngã Ba Kim xã Púng Luông...
Quan tâm củng cố phát triển các sản phẩm tiểu thủ công, làng nghề truyền thống dân tộc Mông, Thái như dệt thổ cẩm, trang phục, nhạc cụ dân tộc, sản phẩm rèn, đúc, nấu rượu... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nhà hàng, nhà nghỉ tại các khu vực trung tâm, điểm, khu du lịch liên kết với các cơ sở, hộ sản xuất để trưng bày, bán các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương…
Khuyến khích phát triển mạnh mẽ, nâng tầm chất lượng nhóm dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, đa dạng hóa hệ thống bán lẻ, mở rộng đến các thôn, bản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng văn minh thương mại cả khu vực đô thị và nông thôn.
Khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường và bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Ưu tiên phát triển dịch vụ ngân hàng, vận tải, lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... Mục tiêu đến 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện đạt 600 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt từ 50%.
Minh Thúy