Toàn tỉnh hiện có 415.103 ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 234.337 ha, rừng trồng 172.521 ha, tỷ lệ che phủ đạt 63%, đứng hàng thứ tư toàn quốc. Vào mùa khô, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng là thời điểm người dân sản xuất nương rẫy nên nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là ở các huyện vùng cao phía Tây của tỉnh.
Để hạn chế cháy rừng, phá rừng, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng; ký hợp đồng giao khoán bảo vệ 224.516 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất cho các nhóm hộ, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản. Lực lượng kiểm lâm đã bố trí đủ cán bộ phụ trách địa bàn ở tất cả các xã, phường, thị trấn tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
Các địa phương đã thực hiện tổ chức lồng ghép trên 100 hội nghị tuyên truyền về PCCCR; in ấn, phát 12.000 tờ rơi, làm áp phích tuyên truyền PCCCR; ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR với trên 50.000 lượt người tham gia.
Các địa phương tiếp tục duy trì và củng cố 1.479 tổ xung kích chữa cháy rừng gồm trên 8.000 người lấy lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt. Ở các huyện vùng cao, tại các điểm xung yếu đều xây dựng chòi canh lửa để chủ động phát hiện lửa rừng trong mùa khô hanh.
Đặc biệt, tại các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã thực hiện việc quản lý diện tích nương rẫy và các chủ nương rẫy, tổ chức "cưỡng chế” đốt nương không để lửa cháy lan. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên niên vụ khô hanh 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng tại huyện Văn Chấn làm thiệt hại 3,65 ha.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa khô hanh năm 2020 - 2021 diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Để chủ động PCCCR mùa khô, các địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã, tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR ở thôn, bản theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định rõ các vùng trọng điểm, lập kế hoạch PCCCR cho từng khu vực, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có cháy rừng. Chi cục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tổ chức thường trực 24/24 giờ để cảnh báo, thông tin cấp dự báo cháy rừng và nắm bắt kịp thời các thông tin về cháy rừng, phá rừng.
Đặc biệt, tại các huyện vùng cao, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, theo dõi, hướng dẫn các chủ hộ canh tác nương rẫy khi đốt nương rẫy phải làm đường ranh cản lửa đảm bảo an toàn, không để cháy lan và cương quyết không cho đốt nương vào những ngày hanh khô và có gió to”.
Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết: vào mùa khô, các vụ cháy rừng xảy ra đều có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn trong sử dụng lửa của người dân khi đốt rừng làm nương rẫy, đốt các bãi chăn thả gia súc để cháy lan vào rừng. Từ thực tế đó, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, mùa khô năm nay, đơn vị chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các trưởng thôn, bản rà soát diện tích nương rẫy, bãi chăn thả, tổ chức cưỡng chế đốt nương rẫy có kiểm soát, phòng nguy cơ cháy rừng.
Văn Thông