Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 11 - 13 độ C.
Các huyện vùng cao nhiệt độ xuống thấp 7 - 9 độ C, có thể xảy ra hiện tượng băng giá, sương muối. Trước tình hình trên, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường phòng, chống rét bảo vệ an toàn cho đàn gia súc chính gần 590.000 con.
Gia đình anh Giàng Dua Dê ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) có 18 con trâu thời điểm hiện tại, toàn bộ đàn trâu, của gia đình anh được đưa về nhà chăm sóc. Anh Giàng Dua Dê cho biết: "Được cán bộ tuyên truyền sắp rét đậm nên mình đã lùa đàn trâu trên núi về nhốt vào chuồng che chắn cẩn thận và lấy cỏ, rơm dự trữ cho ăn. Cả gia tài nhà mình đấy, nên phải bảo vệ chúng cẩn thận, nhất là mấy con nghé con”.
Theo thống kê, huyện Mù Cang Chải hiện có trên 14.700 con trâu, trên 7.700 con bò. Trước dự báo về đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài ngay trong đầu tháng 1/2021, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn triển khai tăng cường các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Cao Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Hiện , huyện đã tiêm phòng xong vắc-xin đợt 2/2020 cho đàn gia súc. Trước thông tin có đợt không khí lạnh có thể xảy ra băng tuyết, sương muối, Trung tâm đã cử cán bộ xuống từng địa bàn phụ trách để rà soát các hộ chăn nuôi trâu, bò thả rông yêu cầu đưa về nhà nuôi nhốt và phải tiến hành che chắn bảo đảm nơi nuôi nhốt gia súc kín gió để phòng, chống rét. Ngoài ra, hướng dẫn người dân bổ sung thức ăn tinh, đun nước nóng cho gia súc uống...”.
Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần chủ động gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng; dự trữ chất đốt, thiết bị để sưởi ấm cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại; tổ chức chế biến, bảo quản, dự trữ đầy đủ thức ăn cho vật nuôi.
Ngoài nguồn thức ăn tinh như ngô, sắn, cám gạo cần bổ sung thêm vitamin và chất khoáng điện giải để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc và chăn thả tự do ngoài trời; chủ động làm chuồng úm để sưởi ấm cho lợn con và gia cầm non; không chăn thả trâu, bò quá sớm khi chưa có ánh nắng mặt trời. Đối với các xã vùng cao, có tập quán thả rông trâu, bò trong rừng, núi phải chủ động đưa về nuôi nhốt, đảm bảo đủ ấm.
Đối với gia súc già, yếu; gia cầm non, cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh và đói, rét. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp đã tăng cường cán bộ kiểm tra, cùng với bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ gia súc khỏi giá rét. Trước mắt, dùng củi đốt sưởi ấm, bổ sung thêm thức ăn tinh, rơm rạ, nước ấm và dùng chăn cũ, bao tải quấn cho trâu, bò.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, đơn vị, UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời để người dân, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa chủ động phòng tránh. Các hộ chăn nuôi cũng cần quan tâm theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết để làm tốt việc phòng tránh rét cho đàn vật nuôi.
Đợt rét đậm, rét hại sẽ kéo dài trong những ngày tới. Do vậy, các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương vùng cao cần tiếp tục chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra.
Hồng Duyên