Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai và xác định phát triển cây ăn quả trở thành một ngành kinh tế chủ lực, huyện đã có Nghị quyết chuyên đề về chương trình trồng cây ăn quả. Song song với đó là quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng cây ăn quả với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Ngành chức năng nghiên cứu lựa chọn giống, cây ăn quả chất lượng đưa vào trồng và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, kỹ thuật. Không làm theo phong trào mà làm đến đâu chắc ăn đến đó, làm có liên doanh, liên kết, sản xuất theo chuỗi”.
Với hướng đi đó, đến nay Trấn Yên đã xây dựng được vùng cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao. Không chỉ sản xuất đơn thuần, các nhà vườn đã biết liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hết năm 2020, toàn huyện có trên 1.085 ha cây ăn quả, trong đó có 761,8 ha cây ăn quả có múi (390 ha bưởi, 290 ha cam, 15 ha quýt, 67 ha chanh...) được trồng tập trung tại các xã: Việt Thành, Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh và Quy Mông.
Theo dự kiến, sản lượng cây ăn quả năm nay đạt 5.340 tấn (cây ăn quả có múi là 2.449 tấn), giá trị thu nhập đạt trên trăm tỷ đồng.
Không chỉ trồng, kiến thiết cơ bản để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, huyện xây dựng các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô hàng trăm héc-ta tại các xã Hưng Thịnh, Việt Hồng, Hồng Ca, Hưng Khánh; sản xuất theo quy hoạch, tập trung và hàng hóa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tạo khối lượng hàng hóa có chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác, gia đình trồng cây ăn quả có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha; nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng từ trồng cây ăn quả ở Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca...
Hưng Thịnh là xã thuần nông, trước đây bà con nhân dân chủ yếu là trồng rừng, làm chè. nhưng một vài năm trở lại đây, xã đã mạnh dạn chuyển đổi hàng trăm diện tích cây chè, cây lâm nghiệp, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Đình Hà dẫn chúng tôi đi thăm những vùng quả, vừa đi anh vừa thông tin: "Chỉ trong 10 năm Hưng Thịnh đã trồng và phát triển hơn 200 ha cây ăn quả, cả xã có 9 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã vừa trồng vừa hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cho bà con. Bình quân mỗi năm nguồn thu từ cây ăn quả của người dân trong xã đạt trên 20 tỷ đồng”.
Thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh có 102 hộ dân đều trồng cây ăn quả, trong đó 70% số hộ phát triển theo quy mô hàng hóa. Diện tích cây ăn quả của thôn có trên 70 ha, bình quân mỗi hộ 1 ha, mỗi năm thu về trên 10 tỷ đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Học cùng vợ đang thu hái những lứa cam, quýt đầu tiên bán cho thương lái, phấn khởi cho biết: "Thấy bà con trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2016 gia đình chuyển đổi 1 ha rừng quế sang trồng cây ăn quả. Đến nay gia đình có 400 gốc quýt Đường canh, quýt vỏ giòn và 500 gốc cam sành. Năm trước tổng thu đạt 300 triệu đồng, còn năm nay được mùa, cam sành bán tận gốc với giá 12.000 đồng/kg, quýt trên 20.000 đồng/kg, dự kiến tổng thu đạt 500 triệu đồng”.
Thực tế ở vùng cây ăn quả Trấn Yên cho thấy, với nguồn giống tốt được trồng bài bản theo quy hoạch, chăm sóc đúng quy trình, nhất là liên kết trong sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ để giảm nghèo mà còn là hướng đi giúp người dân làm giàu.
Ngọc Trúc