2021 - làm gì để nông nghiệp “cất cánh” ?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2021 | 7:59:42 AM

YênBái - Nhìn tổng thể, "tam nông” đã có những bước phát triển mạnh mẽ sau tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn thôn mới; tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực và xu thế phát triển thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải chăm sóc cây sơn tra.
(Ảnh: Thanh Miền)
Đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải chăm sóc cây sơn tra. (Ảnh: Thanh Miền)

Sau thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những đột phá mạnh mẽ; hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa và thị trường; đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rét.

Tuy nhiên, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn điểm nghẽn, tồn tại cần tháo gỡ; đồng thời, làm gì để ngành nông nghiệp thực sự bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo đang là đòi hỏi từ thực tiễn.

Kết quả đáng ghi nhận

Cái được sau TCCNNN gắn với XDNTM chính là nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về tầm quan trọng của "tam nông”, lấy "nông - lâm nghiệp (NLN) là trụ cột của nền kinh tế, là động lực, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh”. Người dân biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa và thị trường. 

Quan trọng hơn cả là, đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm NLN, quy hoạch NTM gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển NLN, thủy sản và XDNTM một cách đồng bộ, toàn diện. Từ năm 2016 - 2020 tỉnh đã hỗ trợ trên 307 tỷ đồng cho phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với XDNTM. 

Nhờ vậy, tốc độ tăng tổng sản phẩm NLN và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13%; cơ cấu tổng sản phẩm NLN và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu đề ra. 

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) chuyển dịch theo hướng tích cực và năm 2020 chiếm khoảng 69,47%; trong đó, trồng trọt chiếm 61,98%, chăn nuôi chiếm 36,95%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 1,07%; lâm nghiệp chiếm 26,24%; thủy sản chiếm 4,30%; tổng sản lượng lương thực có hạt 314.000 tấn, tăng 13.279 tấn so với năm 2015; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 55.800, tăng 16.296 tấn so với năm 2015; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản 11.500 tấn, đạt 93,5% so với mục tiêu, tăng 5.071 tấn so với năm 2015; trồng rừng bình quân hàng năm đạt trên 15.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đạt mục tiêu đề ra... 

Năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cơ cấu tổng sản phẩm NLN và thủy sản vẫn đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng đạt 4,62%; giá trị sản xuất NLN, thủy sản ước đạt 7.746 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.456 tỷ đồng (trồng trọt 3.407 tỷ đồng, chăn nuôi 1.980 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp 69 tỷ đồng); lâm nghiệp đạt 1.950 tỷ đồng; thủy sản đạt 340 tỷ đồng...; thu nhập của nông dân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; 76 xã đạt chuẩn NTM, huyện Trấn Yên đạt chuẩn huyện NTM, thành phố Yên Bái hoàn thành nghĩa vụ XDNTM. Đặc biệt, đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn như: vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng cây ăn quả có múi, vùng quế; vùng tre măng Bát độ 6.000 ha, vùng trồng gỗ nguyên liệu cho chế biến... 

Xây dựng được các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi. Nhờ vậy, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt trên 65 triệu đồng, tăng 10,76 triệu đồng so với năm 2015; chăn nuôi thủy sản đạt 200 triệu/ha; vùng trồng dâu nuôi tằm đạt 220 triệu/ha... Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm (chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Hạn chế cần được khắc phục 

Nhìn tổng thể, "tam nông” đã có những bước phát triển mạnh mẽ sau TCCNNN gắn với XDNTM; tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực và xu thế phát triển thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Cơ cấu kinh tế NLN và thủy sản đã có sự chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu; tỷ trọng chăn nuôi đạt thấp (35,52%), dịch vụ nông nghiệp 1,12%, còn lại là trồng trọt. 

Công tác quy hoạch đã hình thành nhiều vùng sản xuất nhưng còn bất cập; chưa quy hoạch được nhiều vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và quy hoạch vùng chuyên canh hoặc quy hoạch cư dân nông thôn. 

Cùng đó, phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính, tự cung, tự cấp còn phổ biến. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Việc đưa cơ giới hóa các khâu sản xuất chưa nhiều và chủ yếu ở khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển... chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi, dẫn đến giá trị còn hạn chế. Sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều và nhiều nơi chưa gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, tỉnh có 80 sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, bởi việc quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tìm kiếm kênh tiêu thụ mới chưa được đẩy mạnh. 

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế. Giá trị sản xuất bình quân trên mỗi đơn vị canh tác đạt thấp (trồng trọt 60 triệu đồng/ha, thủy sản 143 triệu đồng/ha). Chưa có nhiều vùng sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế. 

Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y vẫn còn nhiều; chất thải chăn nuôi, rác thải ngày càng gia tăng... gây tác động xấu đến môi trường. Quỹ đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tư duy kinh tế hộ vẫn còn nặng nề, hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất…

Để bứt phá
 
Để sản xuất NLN thực sự bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo, vấn đề mấu chốt cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở các cấp, ngành và nông dân. 

Thực tế, đã sản xuất tập trung, đã chuyên canh, đã sản xuất hàng hóa nhưng chưa nhiều, chưa cụ thể, chưa bài bản. Khối lượng hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thương hiệu và nông dân mới chỉ bán cái mình có, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần. Hầu hết nông dân sản xuất hàng hóa nông sản nhưng không có quyền định giá sản phẩm, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường. Do vậy, cần phải giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán, phong trào, theo số đông sang sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của người dùng, sản xuất những gì thị trường cần. 

Để giải quyết vấn đề trên, cần cung cấp thông tin, kiến thức cho nông dân về thị trường, vùng nguyên liệu an toàn, hợp tác, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá nông sản để làm tăng giá trị, nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất thửa ruộng của mình. Quy hoạch, điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa nông sản, khắc phục tình trạng cung vượt cầu. 

Gần đây, nông sản của tỉnh xuất khẩu ngày một nhiều và bình quân mỗi năm đạt trên dưới 40 triệu USD; tuy nhiên, thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc và đó là một thị trường lớn, đối tác quan trọng nhưng việc "tập trung trứng vào một giỏ” khó tránh được hệ lụy như những tháng đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. 

Hiện, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và mới đây nhất là CPTPP, EVFTA là những thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc… mở ra nhiều kỳ vọng cho nông sản Việt Nam nói chung, nông sản Yên Bái nói riêng. 

Tuy nhiên, đây là những thị trường rất khó tính và muốn vào được buộc ta phải tổ chức lại sản xuất, nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, muốn sản xuất bài bản thì không thể sản xuất kiểu mỗi nhà có vài sào ruộng hay vài sào cây ăn quả… mà phải dồn điền đổi thửa, liên kết thành nhóm hộ, tham gia vào hợp tác xã mới có vùng nguyên liệu đủ lớn được cấp chứng nhận đủ điều kiện liên kết với doanh nghiệp. 

Yên Bái đã quy hoạch và hiện có nhiều vùng sản xuất hàng hóa NLN tập trung. Do vậy, nếu có tư duy sản xuất tốt, biết khai thác tốt tiềm năng, sản xuất theo quy trình tốt và có tầm nhìn chiến lược, chắc chắn nông nghiệp sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thanh Phúc

Tags Yên Bái nông nghiệp nông thôn sản phẩm OCOP

Các tin khác
Khai thác, chế biến đá trắng xuất khẩu của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Yên Bái là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nguồn tài nguyên đa dạng, nhất là nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS). Hiện, toàn tỉnh có 112 mỏ đã và đang đưa vào khai thác; 56 mỏ đang thực hiện thăm dò.

Năm 2020 Hội Nông dân tỉnh đã hoàn thành xuất sắc 10/10 chỉ tiêu được giao theo Chương trình hành động 190 và là một trong ba tập thể được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị khen thưởng các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình hành động 190 của Tỉnh uỷ năm 2020. Đây sẽ là tiền đề, động lực để Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2021, góp phần thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.

Nông dân xã Tuy Lộc chăm su su để cung ứng ra thị trường.

Với địa thế nằm ven bờ sông Hồng, hàng năm, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) được dòng sông bồi đắp lượng phù sa lớn nên có nhiều điều kiện để phát triển rau màu. Tuy Lộc là "vựa rau xanh” lớn nhất của thành phố. Thời điểm này, nông dân xã Tuy Lộc đang tích cực chăm sóc, gieo trồng các loại rau màu để phục vụ nhu cầu rau xanh dịp tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục