Những ngày này, bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Đức Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cùng nhiều người dân trong thôn thường xuyên ra đồng chăm sóc lúa xuân. Bà Thơm cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy gần 3 sào lúa bằng giống Hương chiêm. Hiện, lúa đã kết thúc giai đoạn đẻ nhánh nên tôi tập trung điều tiết nước, bón phân, làm cỏ. Thời tiết năm nay thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt; tuy nhiên, hiện một số chân ruộng xuất hiện rầy lưng trắng nên gia đình tích cực theo dõi để có biện pháp phòng trừ hiệu quả”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân này toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 19.050 ha lúa, tập trung các loại giống: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, N.ưu 69, N.ưu 89, TH3-3, TH 3 - 4, Việt lai 20, Hương chiêm, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Bắc Hương 9, Bắc thơm số 7, ĐS1, J01, J02, TBJ3, Séng cù, Hà phát 3, BQ, CNC11, HT1...
Qua theo dõi, hầu hết các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt; một số đối tượng sâu bệnh gây hại như: ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá đã được nông dân phòng trừ kịp thời không để lây lan ra diện rộng.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Yến - Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp nắng mưa xen kẽ rất thuận lợi cho sâu bệnh bùng phát. Do đó, đặc biệt lưu ý rầy lưng trắng là môi giới lây truyền bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên cây lúa.
Bệnh lùn sọc đen có khả năng phát sinh gây hại trên những chân ruộng đã gây hại từ các vụ trước; bệnh đạo ôn có khả năng phát sinh cao, nhất là các ổ nhiễm hàng năm, các chân ruộng bón thừa đạm, các giống mẫn cảm như nếp, BC15, Séng cù, Bắc thơm số 7, Chiêm hương… các trà lúa cấy sớm. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa”.
Trước yêu cầu và thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền các địa phương cần thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức giám sát, đánh giá chặt chẽ tình hình sinh trưởng các trà lúa và diễn biến của điều kiện thời tiết để chủ động khoanh vùng, triển khai phun phòng kịp thời các loại sâu bệnh gây hại.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, đặc biệt trên giống nhiễm và trà lúa đang trong thời kỳ mẫn cảm với rầy lưng trắng là môi giới lây truyền bệnh lùn sọc đen hại lúa; làm tốt việc thông tin tuyên truyền, tập huấn đầu bờ hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời.
Những ruộng có bệnh đạo ôn xuất hiện, bà con cần dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước cho lúa. Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tích cực phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn như: Fujione 40EC, Tilgent 450SC, Natigold 450WG, Tigondiamond 800WP, Beam 75WP, Trizol 20WP, Kabim 30WP, Bemsai 262WP.
Đối với bệnh lùn sọc đen, bà con phun thuốc phòng trừ rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh bằng một trong các loại thuốc như Shertin 5.0EC, Mospilan 3EC, Butyl 40WG, Virtako® 40WG… và khi phun thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng và đúng kỹ thuật) để đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh phòng trừ bệnh đạo ôn, lùn sọc đen gây hại bà con cần theo dõi và phòng trừ kịp thời các dịch hại khác trên lúa như: ruồi đục nõn, bọ trĩ, bọ xít đen, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh vàng lá, chuột… Cùng đó, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Văn Thông