Chưa bao giờ 80 hộ dân, với 100% đồng bào Mông ở Làng Lao lại phấn khởi như vậy, khi được mở đường mới hơn 3 km từ thôn Táng Khờ lên thôn Làng Lao và điện lưới quốc gia được kéo về thôn. Có đường, điện, cuộc sống của người dân thôn Làng Lao không bị cô lập khi mùa mưa bão đến và điện đã nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.
Ông Vàng A Tếnh - Bí thư Chi bộ thôn Làng Lao không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: "Được sự quan tâm của Nhà nước, người dân Làng Lao đã có đường để đi lại, có điện, đồng bào ai nấy đều phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất”.
Không chỉ ở Làng Lao mà người dân ở các thôn Ke Dịa, Khe Đắc, Ba Khe, Vực Tuần cũng rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống đường điện đã bị quá tải, kênh mương nội đồng, làm đường bê tông, xây dựng cầu mới và nhiều công trình nước sạch…
"Là người dân miền núi, trước đây nguồn nước của các hộ chủ yếu lấy từ suối, giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Do đó, khi được hỗ trợ làm mới, nâng cấp 3 công trình nước sạch đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 hộ dân được sử dụng nước sạch, khiến chúng tôi rất vui vì đảm bảo sức khỏe, có điều kiện tập trung làm ăn, nâng cao chất lượng đời sống” - ông Lê Ngọc Can ở thôn Ba Khe cho biết.
Là xã có tới 2.356 hộ, trên 10.573 nhân khẩu, sinh sống ở 17 thôn, những năm qua, Cát Thịnh luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, của tỉnh, huyện, các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn vốn từ xã hội hóa để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.
Ông Phan Nguyên Hà - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã rất mừng khi được sự quan tâm kịp thời từ các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng năm 2020, xã nhận được hơn 40 tỷ đồng đầu tư các công trình phúc lợi như: Làm đường GTNT, kéo điện lưới quốc gia, cải tạo đường điện quá tải, kênh mương nội đồng và các công trình nước sạch...”.
Nhờ đầu tư đúng lộ trình, hợp lòng dân và năng động, sáng tạo trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nên đời sống của người dân xã Cát Thịnh không ngừng nâng lên. Hết năm 2020, toàn xã có 356 hộ thoát nghèo (giảm 17,5%) thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cát Thịnh hiện còn 4/17 thôn vùng cao chưa có điện lưới quốc gia; đường sá đi lại rất khó khăn (chủ yếu đường mòn, người dân tự mở) gồm thôn: Ba Chum, Khe Kẹn, Pín Pé, Làng Ca. Cát Thịnh mong muốn các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, bố trí các nguồn vốn ưu tiên để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống nhân dân.
Ngoài ra, xã tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư lồng ghép, hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân ở thôn bản và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nâng cao đời sống kinh tế, dân trí, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Văn Tuấn