Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh xuất hiện bệnh VDNC với 13 con bò của 7 hộ dân tại 5 xã: Vân Hội, Việt Hồng, Tân Thịnh, Hồng Ca, Cường Thịnh, Tân Đồng nhiễm bệnh, nhưng đến nay dịch bệnh đã được khống chế. Để đạt kết quả trên, ngành chức năng và chính quyền các xã trong huyện đã làm tốt khoanh vùng ổ dịch, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật như: phun tiêu độc khử trùng, phun trừ các côn trùng trung gian truyền bệnh, không mua trâu, bò không rõ nguồn gốc; tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên công tác PCDB tại cơ sở; hướng dẫn chăn nuôi an toàn. Huyện cũng đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc - xin VDNC cho 969 con trâu, bò tại các xã bị dịch.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Nhờ đẩy mạnh tiêm phòng và triển khai đồng bộ các biện pháp PCDB đến nay, trên địa bàn đã có 5/5 xã hơn 21 ngày qua không có dịch bệnh phát sinh trở lại gồm: Việt Hồng, Vân Hội Cường Thịnh, Tân Đồng. Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền người dân không chủ quan, đặc biệt yêu cầu việc mua bán, vận chuyển trâu, bò phải có giấy kiểm dịch. Đồng thời, đơn vị cũng đã rà soát và đăng ký khoảng trên 1.000 liều vắc - xin để tiếp tục tiêm phòng cho các xã có nguy cơ cao”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 29/3, lũy kế đến ngày 7/7/2021 đã có 31 xã của 8 huyện, thị, thành phố làm 133 con bò của 87 hộ dân mắc bệnh; trong đó, đã tiêu hủy 62 con với tổng khối lượng 11.643 kg.
Để khoanh vùng dập dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; tổ chức, hướng dẫn các biện pháp PCDB, thông tin về tình hình dịch bệnh, cách ly gia súc mắc bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thuốc diệt ruồi, muỗi... báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh, tiêu hủy gia súc mắc bệnh.
Đồng thời, Chi cục đã thành lập các đoàn công tác hỗ trợ trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị, thành phố giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và chỉ đạo công tác PCDB; tổ chức tuyên truyền, tập huấn về bệnh VDNC và công tác PCDB cho cán bộ trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cán bộ nông lâm, địa chính, những người thực hiện công tác chăn nuôi thú y tại các xã, thôn, bản. Chi cục cũng đã cung ứng 10.000 liều vắc - xin và 1.614 lít thuốc sát trùng cho các địa phương có dịch để tổ chức triển khai tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng PCDB.
Ngoài ra, người dân tự mua được 2.940 liều vắc - xin để tiêm PCDB VDNC. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp PCDB, đến nay, toàn tỉnh đã có 22/31 xã thuộc 5 huyện, thành phố dịch đã qua 21 ngày không phát sinh trâu bò mắc bệnh; trong đó, huyện Văn Chấn 2/3 xã; Trấn Yên 5/5 xã; Lục Yên 3/3 xã; Yên Bình 10/10 xã; Văn Yên 2/5 xã.
Theo ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh VDNC là bệnh mới, lần đầu tiên xâm nhiễm vào địa bàn, mầm bệnh có động lực cao nên chính quyền, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc thực hiện nghiêm túc các giải pháp PCDB. Trong đó, tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; chú trọng phun tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng vật trung gian truyền bệnh; tiêm phòng vắc - xin VDNC cho trâu, bò; tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp PCDB VDNC cho người chăn nuôi. Ngành chức năng tăng cường, chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.
Văn Thông