Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn đáp ứng kịp thời nguồn vốn chính sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/9/2021 | 7:31:01 AM

YênBái - Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Chấn đã triển khai 14 chương trình vay vốn ưu đãi cho các nhóm đối tượng để phát triển sản xuất, làm nhà ở, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động…

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn thăm mô hình vay vốn phát triển chăn nuôi.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn thăm mô hình vay vốn phát triển chăn nuôi.

Hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị đã chủ động tham mưu giúp huyện phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng cho các xã, thị trấn kịp thời; thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác; phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa của một số chương trình tín dụng chính sách; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng... 

Với thủ tục đơn giản, cung ứng vốn kịp thời nên nhiều năm qua, tăng trưởng dư nợ luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch đạt trên 503 tỷ đồng, tăng gần 40 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 186 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 70 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo gần 70 tỷ đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trên 48 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên 97 tỷ đồng… 

Ông Đinh Công Thái - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: "Từ đầu năm 2021 đến nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa duy trì các điểm giao dịch đảm bảo đúng quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế. Ban đại diện hàng quý còn thực hiện các phiên họp định kỳ về công tác kiểm tra, giám sát, rà soát nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức đoàn thể. 

Tuy nhiên, trong giao dịch cũng gặp một số khó khăn như: một số tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) không thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn tới tình trạng hộ vay đi làm ăn xa khỏi địa phương không trả lãi vay theo đúng hạn; một số đối tượng chây ỳ, sử dụng vốn vay không đúng mục đích xảy ra ở một số xã như: Đồng Khê, Chấn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn… Thời gian tới, chúng tôi tăng cường bám sát nợ đến hạn, chủ động công tác giải ngân, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Hiện, Phòng Giao dịch đang thực hiện giao dịch thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội với 348 tổ TKVV là: Hội Phụ nữ duy trì 98 tổ TKVV, với 3.459 hộ vay, dư nợ trên 148 tỷ đồng; Hội Nông dân, 92 tổ TKVV, 3.001 hộ vay, dư nợ trên 130 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh, 78 tổ TKVV, 2.537 hộ vay, dư nợ trên 107 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên, 80 tổ TKVV, 2.671 hộ vay, dư nợ trên 112 tỷ đồng. 

Theo đánh giá 8 tháng qua của Phòng Giao dịch, doanh số cho vay thuộc hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn có 1.577 khách hàng được vay mức trung bình trên 73 triệu đồng/ khách hàng, bình quân mỗi tháng giải ngân gần 15 tỷ đồng; doanh số dư nợ nhóm hộ khác đạt trung bình trên 41 triệu đồng/hộ, bình quân mỗi tháng thu nợ đến hạn trên 8,2 tỷ đồng. 

Tổng số nợ quá hạn hiện nay là 137 triệu đồng (trong đó, chương trình vay vốn hộ nghèo 48 triệu đồng; xuất khẩu lao động 20 triệu đồng; hộ sản xuất kinh doanh 69 triệu đồng) chiếm tỷ lệ 0,03%, giảm 40 triệu đồng so với cuối năm 2020. 

Thời gian gần đây, Phòng Giao dịch không chỉ mở rộng đối tượng phục vụ mà còn đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức cho vay được ủy thác từng phần qua các tổ chức đoàn thể, từ đó giúp đồng vốn vay nhanh chóng đến được với người dân, thuận tiện, tiết giảm được chi phí giao dịch. 

Đồng thời lồng ghép hiệu quả các chương trình tín dụng khác như: khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, các chương trình văn hóa xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo tiến độ giải ngân nhanh gọn, kịp thời, đầy đủ, an toàn là nhiệm vụ trọng tâm mà Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn đã và đang triển khai những tháng cuối năm 2021. Từ đây sẽ góp phần đắc lực để huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội theo kế hoạch đã đề ra.          
Thạch Phong

Tags Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội Văn Chấn nguồn vốn

Các tin khác

Việc triển khai Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh khóa XVIII về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, bước đầu đã giúp thị xã Nghĩa Lộ có những chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vùng phong tỏa được tạm hoãn trả nợ đến 7-9

Khách hàng vùng phong tỏa không lo bị rơi vào nhóm nợ xấu, vì Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng được cơ cấu nợ cho cả dư nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021, và nợ quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021.

Thành phố Yên Bái đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng công trình đường nối từ đường Điện Biên đến đường nối cầu Bách Lẫm đến cầu Văn Phú (Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái).

Với mục tiêu không để các dự án đầu tư xây dựng bị đình trệ, gây lãng phí nguồn lực, thành phố Yên Bái đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn ưu tiên nhân lực, tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) trên tinh thần khó đến đâu, giải quyết dứt điểm đến đó.

Ông Trần Trọng Biên, thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên tận dụng tán quế để phát triển chăn nuôi tăng thêm thu nhập.

Từ hiệu quả thực tế, huyện Văn Yên đã xây dựng, triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục