Tốt nghiệp THPT, nhận thấy hoàn cảnh gia đình đông anh em, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, suy tính chị Hiền không tiếp tục học lên mà lựa chọn công việc buôn bán, giúp đỡ bố mẹ lo toan cuộc sống. Chị Hiền kể: "Năm 1990, mình cùng mấy người bạn rủ nhau đi lên Lào Cai, mua một số hàng tạp hóa của Trung Quốc về bán, lãi cũng được nhiều đấy. Nhưng vì trốn thuế, sau bị bắt lại trắng tay”.
Sau 5 năm buôn ngược bán xuôi, tích lũy được chút vốn, không muốn quay về con số không, năm 1993, chị Hiền chuyển hướng sang chăn nuôi, trồng trọt rồi lập gia đình. Vốn chăm chỉ, hay lam hay làm lại có sức khỏe, chị Hiền xin đi làm thuê cùng các đội chuyên nhận đổ bê tông thuê cho các công trình xây dựng, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Năm 1999, có thể nói là năm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời chị Hiền và cũng để chị được gắn với cái mác "Hiền bê tông” từ đó đến nay. Đó là, một lần về Thái Bình, chị Hiền được người thân đưa đi trải nghiệm công việc đổ bê tông thuê của những công nhân ở đó. Chị thấy họ không dùng xẻng trộn bê tông và cũng không phải bắc giáo để chuyền tay nhau, đưa từng xô vữa lên đổ những mái nhà cao tầng, mà sử dụng bằng máy trộn, rồi ròng rọc để đưa bê tông lên tầng cao, những công nghệ mà ở tỉnh miền núi Yên Bái chưa có. Vốn sẵn nghề, chị Hiền đã tìm hiểu, học hỏi công nghệ và tham khảo giá cả các loại máy móc rồi bàn với chồng vay mượn thêm tiền đầu tư máy móc, phương tiện và đứng ra thành lập một đội chuyên nhận đổ bê tông thuê các công trình xây dựng.
Chị Hiền cho biết: "Đội xây dựng của tôi có 15 người cả nam và nữ, độ tuổi trung bình từ 25 tuổi đến gần 60 tuổi, sinh sống tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Yên Bái. Công việc chủ yếu nhận đổ bê tông như: móng nhà, mái (sàn) nhà, cầu, cống, đường giao thông nông thôn… Nghề này, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nhưng cần phải có sức khỏe tốt. Công việc không những rất vất vả, mà còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thường xuyên phải bê vác nặng nhọc trên những tòa nhà cao tầng”.
Cũng theo chị Hiền, công việc chỉ mang tính thời vụ nên không có chế độ bảo hiểm cho người lao động, mà việc thì không phải ngày nào cũng có, thường thì 1 tháng đội của chị làm được 15 đến hơn 20 ngày công và làm theo ca, mỗi ca làm việc từ 3 - 5 tiếng. Tiền công thợ được khoán theo khối lượng bê tông, thông thường từ 180.000 đến 250.000 đồng/m3 bê tông, một thợ đổ bê tông có thu nhập khoảng từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Gắn bó với đội từ ngày đầu đến nay, chị Nguyễn Thị Tâm, 50 tuổi ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái tâm sự: "Những năm đầu chưa có xe máy, có nhiều lần tôi và mọi người phải đi xe đạp gần 20km để đến điểm làm. Công việc tuy vất vả, thường xuyên phải bê vác nặng nhọc trong đêm tối trên những tòa nhà cao tầng, nhưng làm xong là nhận tiền luôn nên chúng tôi ai cũng phấn khởi, nhiệt tình làm việc, kiếm đồng tiền để nuôi con cái ăn học”.
Gần 30 năm làm nghề, phục vụ các công trình xây dựng có quy mô từ lớn đến nhỏ trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong, ngoài tỉnh, công việc vất vả là vậy, xong chị "Hiền bê tông” vẫn luôn yêu nghề và tâm niệm theo nghề đến khi sức khỏe không cho phép mới thôi.
Chị Hiền chia sẻ: "Hiện nay, nhu cầu đổ bê tông cho các công trình xây dựng là rất lớn, nhưng cũng rất đông nhóm thợ nên phải cạnh tranh mới có công trình. Vì thế ngoài việc chủ động tìm việc thì uy tín và chất lượng công trình mình để lại là cơ sở để đội có việc làm liên tục”.
Không chỉ lo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong tổ nhóm, ở khu dân cư, chị "Hiền bê tông” còn là người luôn nhiệt tình ủng hộ các loại quỹ xây dựng khu phố văn minh, Quỹ phòng chống Covid-19, hỗ trợ máy móc giúp làm đường giao thông nông thôn và các hộ gia đình trong tổ dân phố xây dựng nhà mới...
Chúng tôi ấn tượng và thật trân trọng tư tưởng của chị: "Xã hội phân công rồi, mỗi người mỗi việc. Nghề đổ bê tông cực nhọc là vậy, nhưng chúng tôi đã chọn và hạnh phúc vì đó là nghề chân chính, bảo đảm cuộc sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương”.
Vũ Đồng