Bất động sản hàng hiệu là thuật ngữ dùng để chỉ các dự án căn hộ thuộc phân khúc bất động sản hạng sang được kết hợp bởi một đơn vị phát triển bất động sản uy tín và quản lý vận hành một thương hiệu danh giá, thông thường gắn liền với khách sạn dịch vụ tiện ích 5 sao.
Trên thế giới, loại hình này đã xuất hiện cách đây cả trăm năm. Ba thị trường đứng đầu toàn cầu về bất động sản hàng hiệu hiện nay là Miami, Dubai và New York. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bất động sản hàng hiệu xuất hiện khoảng từ 10-15 năm trở lại đây với những thị trường sôi động như Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, nhờ lợi thế du lịch cùng với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của giới giàu và siêu giàu.
Riêng Việt Nam, mô hình bất động sản hàng hiệu vẫn còn mới và xa lạ dù tiềm năng tăng trưởng rất nhiều.
Thứ nhất, về du lịch, Việt Nam có triển vọng lớn nhờ được ưu ái vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu và điều kiện thiên nhiên bao gồm bờ biển dài 3.000 km với hàng chục bãi biển dài, đẹp thuộc top nhất nhì thế giới. Những năm chưa có Covid-19, tăng trưởng khách du lịch quốc tế luôn đạt hai con số, riêng năm 2019 đón 18 triệu khách du lịch. Chi tiêu khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng luôn gia tăng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng của giới giàu, siêu giàu Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới trong 5 năm tới. Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Repport) năm 2021 được hãng tư vấn Knight Frank công bố, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.
Ghi nhận của giới chuyên môn cho thấy, thị trường Việt Nam đang tìm kiếm những thương hiệu nhà ở hàng hiệu. Những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý, đặc biệt là đại dịch Covid-19 càng thôi thúc nhu cầu ngày càng cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản hàng hiệu lại khan hiếm, hầu như còn không có trên thị trường. Nếu có thì đó chỉ là những dự án bất động sản hàng hiệu nghỉ dưỡng ven biển, còn những dự án trong khu đô thị vắng bóng. Hiện tại, vẫn chỉ là những dự án đang được các chủ đầu tư xây dựng, hứa hẹn cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp vượt trội.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là với nguồn cung hạn hẹp, liệu rằng có xảy ra tình trạng "sốt xình xịch” bất động sản hàng hiệu hậu dịch Covid-19 hay không? Vì sao được đánh giá là có tiềm năng phát triển lớn, song thị trường vẫn rất ít sản phẩm được cung cấp ra thị trường? Pháp lý hiện tại có gây khó khăn gì cho các đơn vị phát triển?
Đặc biệt, với nhà đầu tư thì làm sao để phân biệt được một sản phẩm bất động sản hàng hiệu so với các sản phẩm tự phong khác trên thị trường? Định giá sản phẩm bất động sản hàng hiệu sao cho đúng? Đầu tư bất động sản hàng hiệu khả năng sinh lời có hấp dẫn hơn so với các phân khúc bất động sản khác hay so với đầu tư chứng khoán, vàng… không?
Để nhìn nhận toàn cảnh bức tranh thị trường bất động sản hàng hiệu, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức toạ đàm "Nhận diện Xu hướng và Tiềm năng phát triển Bất động sản hàng hiệu” vào 9g sáng thứ Hai, ngày 11 tháng 10 năm 2021. Toạ đàm nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2021.
Tham gia toạ đàm sẽ có các chuyên gia tài chính, bất động sản, đại diện các doanh nghiệp bất động sản, đơn vị tư vấn quản lý vận hành dự án bất động sản và Câu lạc Bộ Bất động sản Việt Nam, gồm:
- TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh;
- Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam;
- Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tich CLB BĐS Việt Nam, Chủ tịc DT24.vn;
- Ông Gibran Bukhari, Giám đốc Khối Kinh doanh, Masterise Homes.
Nội dung tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00 thứ Hai, ngày 11/10/2021 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy.
(Theo VnEconomy)