Một số biện pháp phòng, chống cháy rừng ở vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/1/2022 | 1:52:55 PM

YênBái - Hiện nay, thời tiết đang bước vào vụ khô hanh, tập quán đốt nương làm rẫy ở nhiều nơi vẫn còn phổ biến, nhất là 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và đây là 1 trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng. Vì vậy, trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và phòng cháy, chữa cháy rừng ở vùng cao, cần làm tốt những nội dung sau:

1- Xây dựng đường băng cản lửa:

Xây dựng đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng là biện pháp rẻ tiền, tiết kiệm được lao động, vật tư, đem lại hiệu quả cao.

Tác dụng của đường băng cản lửa là ngăn chặn cháy lan trên mặt đất, cháy trên tán ở những khu rừng dễ cháy và là chỗ dựa để tiến hành vận chuyển các phương tiện dập tắt đám cháy, vận chuyển giống, phân bón… phục vụ cho kinh doanh rừng và là con đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.

Khi thiết kế trồng rừng hoặc rừng đã trồng hay rừng tự nhiên phải tiến hành phân chia những khu rừng thành những lô, khoảnh riêng biệt với những đường băng cản lửa, có thể là đường băng trắng hoặc đường băng xanh có tác dụng bẻ gãy ngọn lửa đang cháy trên mặt đất, cháy trên tán cây rừng.

- Đường băng trắng: là những dải trống đã được chặt trắng thu dọn hết cây cỏ, thảm mục, được dọn sạch hay cày lật đất nhằm ngăn lửa cháy lan trên mặt đất rừng.

- Đường băng xanh: là đường băng được trồng bằng những cây xanh hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng, nên chọn những loài cây có khả năng chịu lửa tốt. Đường băng xanh có tác dụng ngăn ngọn lửa cháy lan trên mặt đất và cháy trên tán cây rừng.

+  Hướng đường băng cản lửa:

Đối với địa hình bằng phẳng hoặc dốc dưới 15oC, đường băng phải vuông góc với hướng gió chính trong mùa cháy.

Đối với địa hình phức tạp độ dốc trên 15oC, đường băng trùng với đường đồng mức. Việc bố trí đường băng đúng hướng là góp phần tích cực phát huy khả năng phòng chống cháy đạt hiệu quả cao nhất.

+ Các loại đường băng cản lửa:

- Đường băng chính: được xây dựng ở những khu rừng có diện tích lớn, diện tích từ 5 - 100 ha. Loại đường băng này nên kết hợp với đường vận xuất, vận chuyển trong rừng để làm đường băng.

- Đường băng phụ: thường được xây dựng những vùng rừng dễ cháy có cường độ kinh doanh cao. 
Khoảng cách giữa các đường băng tùy thuộc vào địa hình từng loại rừng, cường độ kinh doanh và mức độ đầu tư của các chủ rừng. 

Đối với rừng tự nhiên, cự ly giữa các đường băng chính từ  1.000 - 2.000 m. Với rừng trồng cự ly giữa các đường băng chính từ 500 - 1.000 m, bề rộng của đường băng cản lửa đối với 2 loại rừng tự nhiên và rừng trồng tối thiểu từ 10 - 20 m, đường băng phụ có chiều rộng từ 8 - 12 m (nên trồng cây xanh).

Chú ý: Cần phải lợi dụng những chướng ngại vật tự nhiên như: sông, suối, hồ nước, đường mòn, đường vận xuất, vận chuyển... để làm đường băng cản lửa. Hàng năm, phải chăm sóc, tự sửa các đường băng cản lửa, dọn  sạch vật liệu cháy mới có tác dụng cản lửa.

2- Trồng rừng hỗn giao: 

Trong thực tế ở các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, rừng trồng chủ yếu là thông. Do có hàm lượng tinh dầu cao nên khi bị cháy dễ gây ra cháy lớn và lan rất nhanh. Do đó, khi trồng rừng thông cần phải trồng xen với những loài cây lá rộng khó cháy khác để làm giảm khả năng cháy lan trên mặt đất và trên tán cây. Những loài cây để trồng xen gồm: thông, tô hạp hương, vối thuốc và sơn tra … có tác dụng phòng, chống cháy rừng rất tốt.

3- Chăm sóc, tu bổ, vệ sinh rừng: 

Hàng năm cần chăm sóc, tự tu bổ, sửa chữa các đường băng cản lửa, dọn sạch vật liệu dễ cháy mới có tác dụng phòng, chống cháy. 

Phát, dọn thực bì, dây leo cuốn cây không để rừng quá rậm rạp, dễ gây cháy rừng. Không phát chăm sóc rừng trong mùa khô hanh nhằm giảm vật liệu gây cháy rừng đến mức thấp nhất.

4- An toàn khi sản xuất nương rẫy:

Phải quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, khi làm nương rẫy trong vùng phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định về phòng, chống cháy như:

Dọn toàn bộ thực bì, phơi khô và vun thành dải rộng  2 - 3 m, dải nọ cách dải hàng kia từ 5 - 6 m, dải cách xa rừng tối thiểu 8 - 10 m. 

Đốt thực bì vào buổi chiều tối hay sáng sớm khi gió nhẹ và đốt lần lượt từ trên đỉnh xuống chân đồi. Khi đốt phải có người canh gác cẩn thận, phải báo trước cho lực lượng phòng cháy và các tổ chức chính quyền thôn, bản. Đốt nương xong phải kiểm tra an toàn trước khi ra về.

5- Có biển cấm lửa rừng và quy ước bảo vệ rừng: 

Cần có quy ước bảo vệ rừng và cắm biển cấm lửa ở những nơi dễ xảy ra cháy rừng để mọi người dân cùng nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

6- Tổ chức cứu chữa kịp thời:

Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời lửa rừng. Khi phát hiện cháy rừng, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo ngay cho chủ rừng, UBND xã, huyện hoặc lực lượng kiểm lâm nơi gần nhất để huy động lực lượng tại chỗ tổ chức cứu chữa cháy cho kịp thời.

 Lê Thị Hải Yến (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Tags cháy rừng vùng cao Trạm Tấu Mù Cang Chải kiểm lâm bảo vệ rừng

Các tin khác
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, mức đầu tư cho 729 km đường cao tốc Bắc - Nam có thể chỉ là 130.605 tỷ đồng, thấp hơn 16.330 tỷ so với tờ trình của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Theo Kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2022 vừa được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) ban hành, mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) áp dụng trong thị trường điện năm 2022 là 1602,3 đồng/kWh.

Các công nhân kiểm tra hạ tầng ray đường sắt quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022.

Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu nợ đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục