Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Hàng năm, từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình GNBV, chúng tôi còn huy động từ các nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135, từ đó triển khai tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đối với vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ công cụ sản xuất và giống cây trồng, vật nuôi cho người dân.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai ở cơ sở còn nhiều tồn tại, hạn chế như: kinh phí hỗ trợ chủ yếu phân bổ vào giữa năm nên việc xây dựng phê duyệt báo cáo thiết kế kỹ thuật muốn triển khai nhưng lại bắt đầu vào mùa mưa; nhiều công trình có quy mô nhỏ, phân tán, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, thời tiết khắc nghiệt… nên gặp rất nhiều khó khăn cho công tác vận chuyển vật liệu để triển khai xây dựng…”.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV, hàng năm, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, cùng các ngành thành viên và chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Nội dung trọng tâm của Ban Chỉ đạo là đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết; phối hợp với các xã, thị trấn xác định nhu cầu kinh phí và hạng mục cần đầu tư; triển khai các chính sách hỗ trợ để đối tượng được hưởng lợi đầy đủ chính sách an sinh xã hội… Giai đoạn 2016 - 2021, tổng các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình GNBV trên địa bàn đạt trên 292 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ xây dựng 62 công trình cơ sở hạ tầng với kinh phí trên 165 tỷ đồng, đã triển khai xây mới 32 công trình, chuyển tiếp 7 công trình và duy tu bảo dưỡng 23 công trình. Nhiều công trình có vốn đầu tư lớn như: đường trung tâm xã Tà Xi Láng, đường xã Pá Hu, đường xã Bản Công; công trình thủy lợi Tà Xi Láng, thủy lợi xã Trạm Tấu, thủy lợi xã Bản Mù…
Các công trình đầu tư đều được triển khai khá đồng bộ, chất lượng công trình được đảm bảo và đúng tiến độ. Các công trình thủy lợi đã chủ động cung ứng đủ nguồn nước tưới tiêu cho trên 1.520 ha lúa cấy 2 vụ/năm. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, kinh phí trên 36 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trên 3 tỷ đồng giống lúa, trên 10 tỷ đồng giống ngô, trên 5 tỷ đồng phân bón, trên 14 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng…
Đã có 83.146 lượt hộ được hưởng lợi từ tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất với 51 mô hình chăn nuôi dê, lợn nái sinh sản… Bên cạnh đó là một số mô hình hỗ trợ cây trồng như: 12 hộ ở các xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu được hỗ trợ trồng dưa bở với diện tích 3,5 ha; hỗ trợ trồng 6ha rau vụ đông ở xã Hát Lừu; hỗ trợ giống lúa mới cho 1.033 hộ ở các xã Túc Đán, Phình Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu… với diện tích 200 ha.
Cùng với các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện còn triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho 4.628 hộ vay vốn phát triển sản xuất, tổng dư nợ đạt trên 183 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 40% thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; 66% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% hộ dân được hỗ trợ các phương tiện thông tin; thu nhập bình quân đầu người từ 570.000 đồng/ tháng năm 2016 lên 1,2 triệu đồng/người/tháng năm 2021; năm 2021, toàn huyện giảm 6,89% hộ nghèo, tương đương với 413 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 29,15% theo tiêu chí mới.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV, thời gian tới, Ban Chỉ đạo giảm nghèo Trạm Tấu từ huyện đến cơ sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và sử dụng hiệu quả các dự án được đầu tư; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng… giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thạch Phong