Khoảng chục năm trở lại đây, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh về số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị được ứng dụng rộng rãi vào trong nhiều khâu sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng ngắn ngày, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa khá phổ biến tại các vùng sản xuất tập trung ở các huyện, xã vùng thấp trong khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển.
Ví dụ, trong sản xuất chè, tỷ lệ cơ giới hóa được áp dụng trong khâu làm đất là 80%, khâu thu hoạch 70%, vận chuyển là 100%. Toàn tỉnh có 53 đơn vị chế biến chè, trong đó có 43 đơn vị chế biến chè đen xuất khẩu (12 đơn vị có nhà máy và thiết bị chế biến sản phẩm hoàn thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 31 đơn vị sản xuất theo hình thức sơ chế).
Công nghệ chế biến chè đen được áp dụng là công nghệ Othodox, sản phẩm chè đen đạt từ 12.000 - 13.000 tấn/năm. Còn lại là 10 cơ sở chế biến chè xanh, chè ô long và chè vàng, công nghệ chế biến tương đối hiện đại, sản lượng hàng năm ước đạt 30-35 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh có khoảng trên 400 hộ sản xuất chè xanh thủ công, quy mô chế biến nhỏ dưới 0,5 tấn/ngày.
Trong sản xuất, chế biến tinh bột sắn, hiện tỉnh có trên 10.000 ha, sản lượng 200.000 tấn sắn củ tươi/năm nhưng việc áp dụng cơ giới hóa còn thấp, chủ yếu trong khâu vận chuyển. Trong chế biến, hiện có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn với thiết bị và công nghệ khá hiện đại, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, sản lượng đạt 20.000-23.000 tấn/năm.
Trong sản xuất, chế biến sản phẩm lâm nghiệp, mỗi năm Yên Bái khai thác, trồng mới khoảng từ 15.000 - 16.000 ha rừng trồng. Việc áp dụng cơ giới hóa trong lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu vận chuyển, khai thác.
Toàn tỉnh có trên 170 đơn vị chế biến gỗ rừng trồng, sản phẩm chủ yếu gồm gỗ bóc, gỗ ép thanh, gỗ gia dụng, gỗ xây dựng, đũa xuất khẩu, giấy đế. Về công nghệ, sử dụng thiết bị, công nghệ của Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao.
Trong chăn nuôi, tỉnh có 12 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô tập trung trên 1.000 con/lứa và khoảng 60 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 10.000 con/lứa. Tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, việc đầu tư chuồng trại, áp dụng các tiến bộ mới về cơ giới hóa và tự động hóa được áp dụng khá phổ biến. Năng suất, chất lượng, kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng việc cơ giới hóa trong sản xuất ở Yên Bái vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định.
Đơn cử, lĩnh vực trồng trọt, cây chủ lực là cây lúa thì mới tập trung chủ yếu ở một số khâu như làm đất, thu hoạch, chăm sóc lúa (phun thuốc phòng trừ sâu bệnh), một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như cấy máy, sấy lúa…
Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác trang bị động lực ở một số khâu không cao, chỉ thích hợp ở quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng như giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước, mức độ tập trung ruộng đất diện tích lớn phát triển chưa tương ứng nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng như các máy làm đất theo yêu cầu thâm canh, máy cấy nhiều hàng, máy thu hoạch, vận chuyển nông sản…
Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Yên Bái đang tăng cường thúc đẩy ứng dụng đồng bộ theo chuỗi gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, gắn nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm hỗ trợ các địa phương thành lập trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ giới hóa; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân cùng thực hiện các hoạt động phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
Cùng đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lành nghề phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động khi đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Mục tiêu đề ra là phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững.
Quang Thiều