Những ngày này, Công ty TNHH Sổng Gia Trà ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đang đẩy mạnh việc sản xuất chế biến các sản phẩm từ chè, bởi đây là vụ chè ngon nhất trong năm. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, trung bình mỗi ngày Công ty sản xuất được khoảng 5 tạ chè thành phẩm.
Để xây dựng thương hiệu và ngăn chặn việc sản phẩm bị làm nhái, làm giả, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm hữu cơ và được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, Công ty có 3 dòng sản phẩm trà chính là: Hồng trà, Bạch trà và Diệp trà. Đây đều là các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào là 100% trà Shan tuyết hữu cơ Suối Giàng.
Ông Giàng A Súa - Giám đốc Công ty TNHH Sổng Gia Trà, xã Suối Giàng cho biết: "Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nên thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Ngoài Hà Nội thì nay thị trường đã được mở rộng ra các tỉnh phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đang tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất để thu mua chè cho nhân dân và tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm Hồng trà, Bạch trà, Diệp trà”.
Huyện Văn Chấn hiện có trên 50 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè với nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều sản phẩm chè đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; một số sản phẩm được các tổ chức quốc tế đánh giá cao như chè Shan tuyết Suối Giàng, chè trắng Giàng Pằng… Trung bình mỗi năm huyện chế biến khoảng 20.000 tấn chè thành phẩm đem về nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người trồng chè và nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hiện, đang vào chính vụ các cơ sở sản xuất đang tích cực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Tính riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt trên 16.000 tấn.
Anh Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thanh An, xã Suối Bu cho biết: "Nhằm góp phần đưa ngành chè phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị, Công ty luôn chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Theo đó, Công ty liên kết với 1 hợp tác xã chuyên thu mua nguyên liệu đầu vào để lựa chọn nguyên liệu sạch, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, không lẫn với nguyên liệu ở vùng khác.
Bên cạnh đó, Công ty đang triển khai đăng ký vùng trồng nguyên liệu, đăng ký mã số thuế truy suất nguồn gốc dễ dàng hơn. Ngoài ra, Công ty tích cực tham gia các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại của tỉnh, huyện để mở rộng hơn nữa thị trường ”.
Thời gian qua, để nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè huyện Văn Chấn đã tập trung khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thâm canh và sản xuất; xây dựng khu vực chuyên canh chè ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, chè an toàn; đầu tư hỗ trợ kịp thời các hộ trồng chè mở rộng diện tích chè Shan, chè chất lượng cao theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn cũng đã thực hiện quy hoạch, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến đăng ký nhãn mác hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; triển khai các hoạt động văn hóa trà kết hợp với dịch vụ du lịch…
Huyện cũng từng bước tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nguồn vốn vay, chương trình khuyến công địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất chè.
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Văn Chấn trồng thay thế, trồng mới được trên 790 ha chè, chủ yếu là chè Shan và các giống chè tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, chất lượng tốt. Hết năm 2021, năng suất chè bình quân toàn huyện đạt 105 tạ/ha với sản lượng đạt 46.548 tấn, chiếm 67,7% sản lượng chè toàn tỉnh.
Dù là cây trồng chủ lực, gắn bó lâu năm với người dân nhưng thực tế ngành sản xuất chè Văn Chấn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Do đó, thời gian tới, huyện Văn Chấn cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè; tổ chức, sắp xếp cơ sở chế biến và sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chè Suối Giàng, chỉ dẫn địa lý chè Shan Văn Chấn...
Hùng Cường