Nhờ đó, hoạt động KTTT trên địa bàn ngày càng phát triển cả về chất và lượng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết chuỗi, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân.
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn được thành lập năm 2004 và đến năm 2015 thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX và tập trung đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, HTX Kiến Thuận đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên HTX và các hộ dân liên kết. Theo đó, các hộ thành viên và người dân được HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 300 - 500 đồng/kg.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận cho biết: "Cùng với việc liên kết, bao tiêu sản phẩm với các hộ dân, HTX còn ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với các công ty trong, ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX đạt khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm”.
Cũng là một HTX được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất, chế biến chè đen bán thành phẩm, thời gian qua, HTX Vạn Hoa ở thị trấn Sơn Thịnh đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại, chủ động thu mua và bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương; đồng thời, tích cực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, HTX Vạn Hoa duy trì công suất khoảng 900 tấn chè đen bán thành phẩm mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định.
Bên cạnh những HTX hoạt động lâu năm đang đẩy mạnh chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, thời gian qua, tại huyện Văn Chấn cũng có nhiều HTX mới được thành lập với hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tiêu biểu trong số đó là HTX Nhật Nguyệt ở thị trấn Nông trường Liên Sơn. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường cũng như được hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, cơ chế, chính sách, HTX Nhật Nguyệt đã được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ uống có cồn được chưng cất.
Bà Phạm Thị Minh Thiên, HTX Nhật Nguyệt cho biết: "HTX Nhật Nguyệt đã đầu tư hệ thống máy móc chưng cất rượu hiện đại gồm nồi nấu cơm, tháp chưng cất, máy khử độc andehit… với các phòng riêng biệt theo từng công đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, HTX luôn quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu lựa chọn nguồn nguyên liệu gạo đảm bảo cho đến các công đoạn chế biến, sản xuất rượu”.
Từ đầu năm đến nay, huyện Văn Chấn đã thành lập mới 9 HTX, bằng 75% kế hoạch năm và 35 THT, bằng 70% kế hoạch năm 2022, nâng tổng số HTX toàn huyện lên 80 HTX và 540 THT với trên 8.500 thành viên tham gia.
Mặc dù các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng nhưng đều có điểm chung là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Nhờ đó, đến nay các HTX, THT trên địa bàn huyện đã từng bước hoạt động ổn định, đi lên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Dự kiến hết năm 2022, thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong HTX là 5,2 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động địa phương. Thúc đẩy KTTT phát triển, nhất là các HTX huyện Văn Chấn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Văn Chấn cho biết: sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ HTX và thành viên từng bước giúp cho hoạt động của HTX có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, những kinh nghiệm tốt, sáng kiến hay trong tổ chức và hoạt động của các HTX, THT. Vai trò, vị trí của HTX ngày càng được củng cố và khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, nhất là đối với các HTX, THT nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX nhanh, bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX...
Hùng Cường