Cùng đó, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và gia đình chị được vay vốn ưu đãi cộng với số vốn tiết kiệm được, gia đình chi Sông đã đầu tư mua thêm con giống, xây chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu, bò. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho gia súc, đến nay, gia đình chị Sông đã nâng tổng đàn gia súc lên 6 con trâu, bò.
Vừa qua, gia đình chị xuất chuồng 2 con bò thu về số tiền trên 30 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, gia đình chị Sông còn phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; nhờ vậy, từ một hộ khó khăn, gia đình chị Sông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Chị Sông chia sẻ: "Những thửa ruộng bậc thang giờ không còn chỉ để cấy lúa mà nhà tôi đã có vài héc - ta chuyển sang trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi, sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp xã về mô hình, kỹ thuật chăn nuôi nên kinh tế gia đình tôi từng bước phát triển thoát nghèo”.
Đến tháng 8 năm 2022, xã Khao Mang có tổng đàn gia súc chính là 6.167 con, bằng 108.67% kế hoạch được giao; trong đó, trâu 859 con, bò 549 con, lợn 4.759 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 240 tấn.
Ông Giàng A Dình - Chủ tịch UBND xã cho biết: thời gian vừa qua, để phát triển chăn nuôi gia súc, xã đã tập trung tuyên truyền rộng rãi đến các bản, đặc biệt là các hộ có trâu, bò tập trung phát triển nuôi trâu, bò sinh sản; mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, xã cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống, phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, tổ chức nuôi nhốt gia súc để phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Trần Minh Phượng - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: Tổng đàn gia súc toàn huyện tính đến tháng 9/2022 là 83.900 con; trong đó, trâu 15.170 con, bò 7.880 con, lợn 60.850 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 3.400 tấn.
Đặc biệt, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND tỉnh, toàn huyện đã có 160 hộ đăng ký hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với tổng mức được hỗ trợ là 2.737 triệu đồng. Năm 2022, có 141 hộ đăng ký tham gia phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69; trong đó, đợt 1 là 98 hộ và đợt 2 là 43 hộ.
"Để chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng hàng hóa, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăn nuôi hàng hóa cho nông dân; đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn, triển khai tiêm phòng vắc - xin phòng, chống dịch, bệnh và đẩy mạnh phòng, chống đói, rét cho vật nuôi..." - ông Phượng nói.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ chăn nuôi của trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết 69/NQ-HĐND ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc; tăng cường thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong chăn nuôi để các hội viên có điều kiện gắn kết, trao đổi kinh nghiệm cũng như đưa chăn nuôi phát triển ổn định...
Tùng Linh