Yên Bái “bứt tốc” giải ngân vốn đầu tư công

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2022 | 7:34:10 AM

YênBái - Hơn 10 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.077 tỷ đồng, tương đương với 45% kế hoạch giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với kịch bản đề ra. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian còn lại của năm, cần có những giải pháp rất quyết liệt để công tác giải ngân “bứt tốc” hoàn thành mục tiêu.

Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái luôn bảo đảm tiến độ thi công. Ảnh: Văn Tuấn
Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái luôn bảo đảm tiến độ thi công. Ảnh: Văn Tuấn

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Yên Bái giao là trên 4.576 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là trên 1.500 tỷ đồng; vốn nước ngoài là hơn 388 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là trên 635,4 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là trên 1.992 tỷ đồng; nguồn vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 58,6 tỷ đồng (vốn ODA). 

Tính hết ngày 17/10, toàn tỉnh đã giải ngân đạt trên 2.077 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch; nếu không tính vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (trên 635 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương giao bổ sung (350 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 58%. 

Với tỷ lệ giải ngân này, Yên Bái cao hơn giải ngân chung cả nước (ước đạt 41,45%) và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành cả nước. Về tình hình giải ngân khối huyện, tính đến hết tháng 9/2022, các địa phương đã giải ngân đạt trên 1.119 tỷ đồng/kế hoạch 1.826 tỷ đồng, bằng 61,3%. 

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: thành phố Yên Bái 73,3%; huyện Trấn Yên 63,8%; huyện Văn Yên 63,7%. So với địa phương, kết quả giải ngân các đơn vị cấp tỉnh còn thấp, đến nay, các sở, ngành và các đơn vị cấp tỉnh giải ngân đạt 1.075 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch; trong đó, có 12 đơn vị chủ đầu tư giải ngân trên 75%; 17 đơn vị giải ngân thấp dưới 75%. 

Chú ý một số đơn vị khối sở, ban, ngành kết quả giải ngân còn thấp, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, chưa đáp ứng yêu cầu như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đạt 39,8%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đạt 44,9%); Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt 12,3%); Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 41,2%); Sở Y tế (đạt 16,6%); Sở Công Thương (đạt 34,5%)... Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là công tác giải phóng mặt bằng đã được quan tâm. 

Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn nên một số dự án còn chậm như: đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối quốc lộ 32C - quốc lộ 37 với đường Yên Ninh...; một số dự án lớn, quy mô phức tạp, có tính chất đặc thù nên thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian; một số dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên công tác đánh giá hiện trạng rừng phải trình qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình xin ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian sẽ kéo dài. 

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số đơn vị chủ đầu tư chưa nỗ lực đẩy mạnh công tác giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cam kết và kịch bản; năng lực của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế, đặc biệt là đơn vị quản lý dự án, chưa thực hiện hết vai trò, tham mưu cho đơn vị chủ đầu tư thực hiện chưa bảo đảm quy định.

Năm 2022, Chính phủ yêu cầu Yên Bái và các địa phương trong cả nước phải giải ngân đạt trên 95%. Như vậy, thời gian còn lại của năm các địa phương, chủ đầu tư  phải giải ngân ít nhất trên 50% kế hoạch vốn. Để đạt mục tiêu này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư cần những giải pháp quyết liệt; trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án; rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn đảm bảo linh hoạt, hiệu quả theo hướng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; trong đó, ưu tiên các dự án quan trọng, trọng điểm; đối ứng các dự án ODA; Đề án phát triển giao thông nông thôn…  rà soát kịp thời bổ sung các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi đáp ứng nhu cầu giải ngân và sớm hoàn thành các dự án, nhất là các dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng và tăng thêm lực mới cho nền kinh tế. 

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu ngân sách đặt biệt là từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, bảo đảm vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 được giao đáp ứng nhu cầu giải ngân của các công trình dự án. 

Quyết liệt chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch theo dõi hướng dẫn kiểm tra định kỳ, kiểm tra độ xuất hoạt động tư vấn thiết kế, giám sát công tác quản lý công trình và thi công xây dựng theo chuyên ngành quản lý nhằm chấn chỉnh hoạt động quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh… 

Đặc biệt, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ở ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý.
 
Thông Nguyễn

Tags Yên Bái giải ngân vốn đầu tư công công trình cầu Giới Phiên giải phóng mặt bằng

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục