Thị xã Nghĩa Lộ phát triển Chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” - Nâng cao sức cạnh tranh của gạo Séng cù Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2022 | 7:38:35 AM

YênBái - Cánh đồng Mường Lò rộng hơn 3.000 ha, là cánh đồng lớn thứ hai khu vực miền núi phía Bắc. Đây là nơi đã gieo trồng ra sản phẩm gạo Séng cù nức tiếng, đã được Nhà nước bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” và đến nay là Dự án khoa học Quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” của UBND thị xã Nghĩa Lộ cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò.

Sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò .
Sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò .

Cánh đồng Mường Lò có địa hình bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao, có những con suối lớn như Ngòi Thia, suối Nung, Nặm Tộc cung cấp nguồn nước sạch, phù sa cho cánh đồng.

Do được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu nơi đây rất phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển đặc biệt là lúa Séng cù có chất lượng cao, cho cơm mềm dẻo, thơm, hàm lượng protein cao, giàu giá trị dinh dưỡng; việc UBND thị xã Nghĩa Lộ triển khai thực hiện dự án khoa học Quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái sẽ nâng cao chất lượng, hình ảnh, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò trên thị trường, nâng cao giá trị trên ha canh tác. 

Theo nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Di truyền nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, Mường Lò có lượng mưa bình quân hàng năm 1.400 - 1.600 mm, nhiệt độ trung bình là 23,2oC, độ ẩm trung bình dao động trong khoảng 80%, số giờ nắng trung bình là 1.800 giờ, biên độ nhiệt ngày và đêm từ  8 - 14oC, tất cả yếu tố đó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quang hợp của cây và tích lũy chất khô của hạt lúa. Các chỉ số này sẽ thúc đẩy cho quá trình tích lũy protein, chuyển hóa và tích lũy phenol thơm trong hạt thóc. Vì vậy, gạo Séng cù Mường Lò có mùi thơm mạnh và hàm lượng protein cao. Cùng với đó, kinh nghiệm của người dân tộc Thái ở Mường Lò cũng góp phần không nhỏ làm nên hương vị của gạo Séng cù. 

Trải qua quá trình định cư lâu dài tại Mường Lò, đồng bào Thái nơi đây đã có một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất lúa, kết hợp với các luật tục trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững như hiện nay. 

Ngoài ra, người Thái còn biết đốt rạ lấy tro bón ruộng nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất, kỹ thuật thả bèo tấm giữ ấm cho lúa vào mùa đông vẫn được duy trì. Phương pháp chọn ủ và làm phân xanh thay cho các loại phân hóa học vừa phát triển được cây lúa đồng thời bảo vệ được nguồn nước, bảo vệ được môi trường. 

Năm 1995, lúa Séng cù được nhân dân đưa vào gieo cấy trên cánh Mường Lò, gạo Séng cù đã trở thành hàng hóa đặc sản của vùng Mường Lò được nhiều người biết đến. Chính vì sự dẻo thơm, ngon nổi tiếng của gạo Mường Lò, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) đã bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đối với gạo Séng cù, Hương chiêm được gieo trồng trên cánh đồng Mường Lò. 

Từ khi được Nhà nước bảo hộ Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phát huy giá trị của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm lúa gạo của cánh đồng Mường Lò như: quy hoạch vùng nguyên liệu cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng gạo Mường Lò; tăng cường đăng tải các bài viết, phát sóng phóng sự quảng bá trên báo, đài trung ương, địa phương; tổ chức các gian hàng hội chợ giới thiệu gạo Séng cù Mường Lò.


Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghe giới thiệu về gạo Séng cù Mường Lò của Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò. tỉnh Yên Bái .

Để tiếp tục nâng cao giá trị của gạo Séng cù Mường Lò, năm 2021, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện dự án khoa học Quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái. Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò tỉnh Yên Bái là đơn vị được UBND thị xã giao phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thị xã triển khai xây dựng mô hình điểm về sản xuất lúa Séng cù chất lượng cao cho chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò với  quy mô 40 ha. 

Ông Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò - đơn vị được giao tham gia thực hiện quản lý nội bộ Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, quản lý chất lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm gạo Mường Lò, cho biết: Dự án đã hình thành quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói, bán đến tay người tiêu dùng, là cơ sở cho việc nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò trên toàn cánh đồng Mường Lò, góp phần tiếp tục nâng cao hình ảnh, uy tín, giá trị, của gạo Mường Lò trên thị trường. 

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò được triển khai tại thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ với hơn 80 hộ nông dân tham gia. Giống lúa Séng Cù được tuyển chọn có chất lượng cao với mục đích để người dân gieo cấy đúng khung thời vụ, đảm bảo quy trình, kỹ thuật, chất lượng gạo của Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò mà Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố. 

Tham gia dự án trồng lúa Séng cù nguyên chủng theo Dự án Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò từ năm 2021, vụ đông xuân năm 2021, anh Nguyễn Văn Trọng - thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn, xã Hạnh Sơn  đã đưa vào gieo cấy hơn 6.000 mét vuông lúa Séng cù nguyên chủng. Do đúng chủng loại và được chăm sóc theo quy trình Chỉ dẫn địa lý nên năng suất cao hơn các vụ trước đây. 

Hộ chị Nguyễn Thị Khuyên, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn tham gia dự án cho biết, xã Hạnh Sơn phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho người dân để đảm bảo cho lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon theo tiêu chuẩn của Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò. 

Là hộ gieo cấy lúa Séng cù nguyên chủng đã nhiều năm nay nhưng từ khi tham gia mô hình trồng lúa Séng cù chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, gia đình ông Nguyễn Quốc Hữu - thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn đã quyết định gieo cấy dùng trên 6.000 mét vuông ruộng của gia đình đồng thời thuê thêm 2.000 mét vuông ruộng để cấy lúa Séng cù. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hữu, do lúa giống được tuyển chọn có chất lượng cao, gieo trồng theo quy trình khoa học nên đạt năng suất 6 tấn/ha, cao hơn 1,2 lần so với trồng đại trà như các vụ khác, lúa thu hoạch đến đâu được thương lái mua tới đó với giá cao. 

Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn cho biết thêm: Là đơn vị trực tiếp tham gia mô hình sản xuất lúa Séng cù chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn đã lựa chọn các hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia dự án như diện tích gieo cấy, nhân lực, có khả năng tiếp thu kỹ thuật... Hợp tác xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò cho các hộ. Qua hai vụ triển khai mô hình, năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha. Giá gạo Séng cù Mường Lò hiện tại là 32.000 đồng/kg, tăng 30% so với trước đây. 

Là một trong gần 40 hộ làm du lịch cộng đồng của thị xã Nghĩa Lộ, gia đình bà Lường Thị Chinh ở xã Nghĩa An thường xuyên sử dụng sản phẩm gạo Séng cù theo Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò để nấu cơm phục vụ khách du lịch. Bà Chinh cho biết, gạo Séng cù rất dẻo, thơm ngon, được nhiều khách du lịch nghỉ tại gia đình thích thưởng thức, mua về làm quà cho người thân. Bà Chinh cũng hy vọng đây sẽ là một trong những kênh thông tin giới thiệu, quảng bá gạo Séng cù Mường Lò đến mọi miền Tổ quốc. 

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, Chủ nhiệm Dự án khoa học quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái cho biết: Ngoài việc thực hiện mô hình sản xuất lúa Séng cù chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, nội dung dự án còn tập trung vào rà soát, điều chỉnh các cơ chế quản lý chỉ dẫn, thực hiện chuẩn hóa bao bì, tờ rơi, hệ thống truy xuất nguồn gốc, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò. 

Sản phẩm gạo Séng cù mang Chỉ dẫn địa lý Mường Lò đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Do sản phẩm đạt chất lượng cao, được đóng gói, có công cụ truy xuất nguồn gốc đã tạo được niềm tin, được người tiêu dùng đón nhận, qua đó góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng của gạo Mường Lò, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, người sản xuất. 


Cánh đồng Mường Lò

Hiện nay, các sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò của thị xã Nghĩa Lộ được bày bán, giới thiệu tại cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP thị xã, được cập nhật thông tin, công bố chỉ tiêu, chất lượng trên website gaomuonglo.vn, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký bao tiêu.

Việc UBND thị xã Nghĩa Lộ đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy được giá trị của Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thị xã, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hình ảnh, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng như chất lượng gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người trực tiếp trồng lúa trên cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ.

Phạm Tuấn Tài (Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền thị xã Nghĩa Lộ)

Tags Xòe thái gạo Mường Lò giá trị sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò suối Ngòi Thia suối Nung Nặm Tộc

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 2132/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 tại Bộ Tài chính.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình và Long An thảo luận ở tổ.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm hàng Việt Nam tại Siêu thị Vincom Yên Bái.

Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm gần đây, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của CVĐ tới cán bộ và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Dây chuyền sản xuất gà chế biến xuất khẩu đi Nhật Bản.

Ngày 25/10, tại Bình Phước, Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food) công bố xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là lô hàng thịt gà chế biến dành riêng cho thị trường Nhật Bản với số lượng hơn 33 tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục