Tân Nguyên là xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, xã đã vận động người dân đăng ký tham gia Dự án sản xuất rừng bền vững FSC. Tham gia dự án, các hộ đều tuân thủ nghiêm các nguyên tắc: không sử dụng thuốc diệt cỏ, bảo vệ động vật hoang dã, không đốt thực bì; quá trình khai thác không để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Sau khi được chính quyền vận động, cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn và các hộ trồng rừng đều thực hiện nghiêm ngặt kỹ thuật.
Ông Lương Anh Nhiên, thôn Khe Nhàn chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng gỗ thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, năng suất, chất lượng gỗ đã cao hơn và đầu ra sản phẩm đảm bảo, giá cả ổn định nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn yên tâm đầu tư, chăm sóc rừng trồng”.
Hiện, gia đình ông Nhiên có 5 ha rừng từ 3 - 12 năm tuổi; trong đó, có 2 ha keo được cấp chứng chỉ FSC cho khai thác và gia đình thu về 200 triệu đồng. Hiện, toàn xã Tân Nguyên đã có 315 hộ trồng rừng thuộc 8 thôn được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích 701 ha; năm 2022, xã tiếp tục được cấp chứng chỉ FSC trên 300 ha rừng.
Gắn bó với nghề trồng rừng nhiều năm, trước đây, gia đình bà Lương Thị Khôi, thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh chủ yếu trồng rừng gỗ nhỏ, giá trị kinh tế không cao. Từ khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, bà Khôi nhận thấy giá trị kinh tế của mỗi héc - ta rừng đều tăng từ 2 đến 2,5 lần.
Bà Khôi cho biết: "Tham gia Dự án trồng rừng FSC, gia đình tôi đã tuân thủ các quy định trồng rừng FSC. Những cánh rừng của gia đình không phân tán, đất đai không bị ảnh hưởng do tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, cây phát triển nhanh hơn so với cách trồng tự do. Nhờ đó, giá trị từ gỗ mang lại cao hơn hẳn trước kia”.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC chăm sóc tốn nhiều công sức hơn nhưng sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 - 15%; giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ FSC cũng tăng từ 10 đến 15%.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Yên Bình có trên 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2022, địa phương tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển ổn định các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản hiện có; gắn vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện chủ động mời Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát ký kết thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm và tư vấn, xây dựng lộ trình cụ thể; tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC; hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân tham gia cấp chứng chỉ rừng…
Cùng đó, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật...; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành trong hướng dẫn, vận động người dân tham gia cấp chứng chỉ rừng; tùy vào tình hình thực tế tại địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp, đảm bảo việc mở rộng, duy trì diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết, huyện đã có trên 4.308 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC tại các xã: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng, Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân và thị trấn Yên Bình. Năm 2022, huyện đã hoàn thành việc cấp chứng chỉ FSC cho gần 5.000 ha rừng thuộc 4 xã: Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng. Từ năm 2023, huyện tiếp tục hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng đạt tiêu chuẩn cho 3 xã dọc quốc lộ 70 và vùng Đông hồ.
Có thể khẳng định, việc huyện Yên Bình đẩy mạnh cấp chứng chỉ FSC đã nâng cao hiệu quả kinh tế rõ nét cho người trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu tập trung cho các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu và đem lại hiệu quả về kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Minh Huyền