Để khu vực “tam nông” của Yên Bái phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2022 | 8:05:36 AM

YênBái - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi từ các nguồn lực của tỉnh lồng ghép với hỗ trợ của trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực để nông dân đổi mới tư duy, tiên phong sản xuất, nông nghiệp (SXNN) theo hướng hiện đại...

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra mô hình nuôi dúi thương phẩm của gia đình ông Vũ Văn Hậu ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra mô hình nuôi dúi thương phẩm của gia đình ông Vũ Văn Hậu ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình.


Nông nghiệp, nông thôn khởi sắc

Yên Bái với 85% diện tích đất nông nghiệp, 80% dân số và gần 60% số lao động sống tại khu vực nông thôn nên nông nghiệp luôn giữ vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng phát triển, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (NNNT). 

Tỉnh đã xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; nghiên cứu, ban hành một loạt chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế. Từ đó, tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. 

Ông Nông Văn Thẩm ở thôn Nà Ké, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình chia sẻ: "Chưa khi nào nông dân lại được quan tâm như hiện nay. Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi gia súc ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, đã khích lệ tôi làm ăn lớn.

Hiện, tôi luôn duy trì đàn trâu quy mô trên 10 con theo mô hình bán chăn thả. Thời gian tới, tôi tiếp tục mua trâu nái sinh sản, mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển quy mô đàn”. Những trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đang xuất hiện ở khắp các vùng quê với nhiều chính sách của tỉnh làm đòn bẩy quan trọng trong sản xuất của nông dân. 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã xác định rõ các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực; trong đó, có 80.000 ha quế, 10.000 ha sơn tra, 6.000 ha tre măng Bát độ, 3.000 ha lúa đặc sản chất lượng cao… 

Cùng đó, 10 sản phẩm đặc sản cũng được tỉnh tập trung phát triển gồm: lúa nếp Tan Tú Lệ, huyện Văn Chấn; chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ của huyện Văn Chấn và Trạm Tấu; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam sành Lục Yên và vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa Yên Bái; sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu; quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và các chủng loại cây dược liệu. 

Cùng với các chính sách thúc đẩy sản xuất, tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại khu vực nông thôn. Đến nay, đã có một số DN FDI đầu tư vào vùng lõi nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như các dự án may mặc công nghiệp; một số DN tư nhân đầu tư chế biến các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản...; từ đó, góp phần nâng cao đời sống nông dân, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa NNNT. Nhiều thị trấn, thị tứ, các trung tâm xã dịch vụ hàng hóa được xây dựng tạo mạng lưới rộng khắp trong toàn tỉnh, đáp ứng kịp thời việc mua, bán hàng hoá, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống nông dân. 

Nhờ đó, kinh tế nông thôn của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, nhưng SXNN của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 

Tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản đạt và duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. 

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt 5,36%, đóng góp 23,17% vào mức tăng chung của nền kinh tế, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng chục triệu USD. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tạo được sự lan tỏa mạnh và được đánh giá là điểm sáng luôn dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn NTM, đạt 58,7%; trong đó, có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; trong đó, huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM ở khu vực Tây Bắc. 

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình XDNTM. Đến nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao; 118 sản phẩm đạt 3 sao.  

Còn nhiều trăn trở

Với sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của nông dân, lĩnh vực "tam nông” đã có những bước phát triển với nhiều gam màu tươi sáng; tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực và xu thế phát triển thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp và thủy sản đã có sự chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. 

Công tác quy hoạch đã hình thành nhiều vùng sản xuất nhưng còn bất cập; chưa quy hoạch được nhiều vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và quy hoạch vùng chuyên canh hoặc quy hoạch cư dân nông thôn. 

Cùng đó, phương thức SXNN cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh hiện vẫn còn dựa vào lao động giản đơn; quy mô sản xuất nhỏ thiếu liên kết; xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp và lợi ích thu được không cao, nông dân đôi lúc vẫn phải đối diện với tình trạng được mùa, mất giá, nông sản không thể tiêu thụ. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do chưa thu hút được các DN "đầu tầu” có đủ năng lực về vốn, khoa học và công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị. 

Hiện, một số sản phẩm thế mạnh chưa được phát huy như: chè, cây ăn quả, thủy sản; chưa có nhiều DN quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một trong những yếu tố chính cản trở bước chân của các nhà đầu tư là do SXNN còn chịu tác động lớn về điều kiện thời tiết, khí hậu và biến động của thị trường; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất còn thiếu; do địa hình chia cắt, xuất đầu tư lớn. 

Đặc biệt, muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp, DN phải tìm cách giải được bài toán liên kết với hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ trên các diện tích đất canh tác khá nhỏ lẻ, manh mún để có vùng nguyên liệu sản xuất bền vững. 

Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất, tích tụ ruộng đất còn khó khăn; nguồn lực bố trí cho chính sách hỗ trợ, thu hút các DN đầu tư vào NNNT còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế; chưa có nhiều vùng sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế; việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y vẫn còn nhiều; chất thải chăn nuôi, rác thải ngày càng gia tăng... gây tác động xấu đến môi trường; quỹ đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tư duy kinh tế hộ vẫn còn nặng nề; hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất… 

Trước thực trạng trên, để thay đổi tư duy từ SXNN sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, ngày 20/01/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, người nông dân luôn được xem là chủ thể trong quá trình phát triển và là đối tượng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ giúp họ duy trì sản xuất một cách bền vững.

Những khó khăn trong SXNN và những vướng mắc của nông dân Yên Bái đang gặp phải sẽ được giải đáp cụ thể tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân diễn ra hôm nay ngày 11/11. Đây là lần đầu tiên hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân. Điều đó, không chỉ thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với nông dân mà còn là cơ hội để các cấp chính quyền và nông dân bày tỏ, chia sẻ, tìm tiếng nói chung cùng tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách "tam nông”.

Thông Nguyễn

Tags Tam nông cơ chế chính sách phát triển bền vững nông thôn mới

Các tin khác

Sáng nay - 11/11, Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân tỉnh Yên Bái - năm 2022 diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tiếng nói của nông dân, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Báo Yên Bái đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ những vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ và những khó khăn vướng mắc khác…

Chính quyền Trịnh Châu ghi nhận 1.228 ca mắc hôm 9-11.

Trung Quốc đang gia tăng các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở khu sản xuất Quảng Châu, đóng cửa trường học và mở rộng phong toả sau nhiều ngày không ngăn chặn được đợt bùng phát dịch.

Trước kỳ điều hành giá, một số cây xăng ở Hà Nội đóng cửa không bán hàng hoặc bán nhỏ giọt khiến nhiều người tiêu dùng phải rất vất vả mới mua được xăng.

Đại diện doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá bán lẻ tại kỳ điều hành ngày 11/11 tiếp tục tăng, khi các chi phí định mức được điều chỉnh để tính vào giá cơ sở.

Giá vàng bất ngờ tăng 350.000 đồng/lượng. Ảnh minh hoạ

Phiên giao dịch ngày 10/11, giá vàng miếng SJC trong nước bất ngờ tăng tới 350.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn ở mức 1 triệu đồng/lượng nên người nắm giữ vàng vẫn lỗ nặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục