"Rất mong các bạn hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh, rẻ cho Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu tại "Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2022" (Green Economy Forum & Exhibition - GEFE) sáng 28/11 tại TP HCM.
Tín dụng xanh (hay vốn xanh) là nguồn vốn do các tổ chức tài chính cho vay với các hoạt động đầu tư, sản xuất xanh bao gồm các hoạt động tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường.
Chia sẻ tại sự kiện do EuroCham tổ chức, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước phát triển năm 2045. Tuy nhiên, "Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", ông khẳng định.
Trong quá trình này, Thủ tướng cho biết Việt Nam kỳ vọng châu Âu hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực và nguồn vốn để người dân có thể tiếp cận được sản phẩm, dịch vụ với giá hợp lý.
"Doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt vay vốn của EU thì lãi suất phải ưu đãi. Điều này góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm giá cho người dân, phù hợp với một nước đang phát triển", ông nói.
Một số thế mạnh khác mà châu Âu có thể hỗ trợ Việt Nam như quản trị tiên tiến, hạ tầng chiến lược, các ngành kinh tế mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...) hay đầu tư thêm vào R&D,...
Việt Nam đã cam kết giảm phát thải metan 30% vào 2030, trở thành nước trung hòa carbon năm 2050. Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo "Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam "của Nhóm Ngân hàng Thế giới mới đây, ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam đánh giá, mục tiêu vươn lên nước có thu nhập trung bình trong giai đoạn biến đổi khí hậu là "thách thức rất đặc biệt" cho Việt Nam, nhưng nếu không hành động, chi phí còn lớn hơn rất nhiều. "Tổn thất liên quan biến đổi khí hậu có thể chiếm 15% GDP nếu không có những đầu tư lớn", bà đánh giá.
Việt Nam không đóng góp nhiều phát thải carbon, nhưng hai thập kỷ qua đang nổi lên là nơi có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tác hại của nó là làm tăng ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, năng suất lao động. Lượng CO2 trên mỗi USD xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa những nước lân cận, làm giảm tính cạnh tranh.
Theo bà Turk, đầu tư công sẽ đóng vai trò trụ cột, nhưng cũng cần cải thiện chính sách để thu hút dòng vốn tư nhân. Cùng với đó, cần có thêm cải cách lĩnh vực tài chính để chuyển dòng tiết kiệm dồi dào sang đầu tư xanh.
"Tiết kiệm tư nhân tại Việt Nam quy mô gần 20% GDP, là mức cao. Ngân hàng cần đóng vai trò quan trọng hơn trong chuyển dòng đầu tư cho số tiền này. Nếu chỉ cần một phần tư số tiền hỗ trợ cho các dự án xanh cũng chiếm 3,5% GDP", bà nói.
Ngoài ra, Việt Nam có thể huy động thêm tài chính cho các dự án xanh thông qua tham gia vào thị trường tài chính khí hậu, bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế. World Bank cho rằng cơ sở hạ tầng cho thị trường này đã sẵn sàng. Hiện họ và TP HCM đang nghiên cứu những giải pháp cụ thể để tận dụng thị trường này.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, tuần hoàn là không gian mới, mở ra cơ hội việc làm và tương lai mới. Trong đó, EU có kinh nghiệm và là đầu tàu về chống biến đổi khí hậu thế giới.
Ông Diên cho hay, ngoài việc ban hành các chính sách khuyến khích, chính phủ đang giao bộ này nhiệm vụ nghiên cứu luật hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Tờ trình mới nhất (lần thứ 6) về Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757-145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.871-39.486 MW, tức chiếm 18-27% tổng công suất. Đến 2050, tỷ trọng nhóm nguồn điện này được kỳ vọng chiếm 54,9-58,9%.
Theo ông Diên, để đạt mục tiêu cần đầu tư 14,2 tỷ USD một năm giai đoạn đến 2030, và 24,4 tỷ USD giai đoạn 2031-2050. "Để thực hiện thành công, ngoài tự nỗ lực, rất cần các đối tác quốc tế hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật và vốn ưu đãi để phát triển hạ tầng điện gió, truyền tải điện, và hạ tầng tiết kiệm điện", ông nói.
Việt Nam phát hành trái phiếu xanh lần đầu năm 2019 thông qua Nghị định 163 của Chính phủ. Bước ngoặc này tạo ra các kênh huy động vốn phục vụ việc bảo vệ môi trường thay vì chỉ dựa vào nguồn tài trợ duy nhất từ ngân hàng. Năm 2020, Việt Nam nhận khoản vay xanh đầu tiên để phát triển một nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Nhà máy được dự báo giảm lượng khí thải vào khoảng 100.000 tấn mỗi năm.
Hiện các công ty toàn cầu tập trung ngày càng nhiều vào ESG (Environmental - Social - Governance, bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng). Do vậy, họ đòi hỏi ngày càng nhiều các nguồn lực bền vững, chất lượng tốt ở các nước đặt hoạt động.
Cũng nhờ thế, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN, theo HSBC. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, nhà băng này cho rằng Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.
(Theo VnExpress)