Do không khí lạnh tăng cường, những ngày qua nhiệt độ xuống thấp và ở một số đỉnh núi cao của huyện Trạm Tấu còn xuất hiện băng giá. Do đó, thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại và cách thức chăm sóc đàn gia súc luôn được các trưởng thôn thông báo đến nhân dân nên ý thức của người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc được nâng lên đáng kể. Để bảo đảm sức khỏe cho gần 40 con trâu, bò của gia đình, ông Bùi Văn Nam ở tổ dân phố số 2, thị trấn Trạm Tấu đã đưa đàn gia súc về nhà nuôi nhốt và bổ sung thêm thức ăn tăng sức đề kháng.
Ông Nam cho biết: "Đàn trâu, bò này là cả gia tài của tôi nên mình phải chăm sóc cẩn thận. Điều đầu tiên là phải tiêm phòng vắc - xin đầy đủ, thường xuyên vệ sinh chuồng và đảm bảo đủ lượng thức ăn dự trữ cho mùa đông. Đặc biệt, những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C, tôi phải che kín chuồng và đốt củi để sưởi ấm”.
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên từ khi chăn nuôi đến nay đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Trạng Xô, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh và mỗi năm từ chăn nuôi lợn mang về cho gia đình ông vài trăm triệu đồng.
Hiện nay, trong chuồng nhà ông Lịch có 12 con lợn nái và trên 140 con lợn bột, lợn thịt. Trên tay cầm cuốn sổ theo dõi sự phát triển của từng đàn lợn và lịch tiêm phòng cho từng ô chuồng, ông Lịch cho biết: "Mình cứ phải cẩn thận vậy để đảm bảo con nào cũng được chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ. Muốn chăn nuôi an toàn cho hiệu quả kinh tế cao thì trước tiên khu chăn nuôi phải xa dân cư, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ 8 loại vắc - xin và thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại hàng ngày”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn rải rác xảy ra; tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 263 con. Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Ông Đàm Duy Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Chi Cục tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; tổ chức mua sắm thuốc sát trùng, cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các địa phương để tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho phòng, chống khi dịch bệnh xảy ra”.
Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành rà soát, tổ chức tiêm vắc - xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn... bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc - xin; tổ chức phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh đợt 2 năm 2022.
Chi cục cũng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật; tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc.
Ông Đàm Duy Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm: "Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh; đặc biệt là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, khu vực có nguy cơ cao. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, họp thôn, bản, tổ dân phố về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức phòng chống”.
Hồng Duyên