Đã trở thành truyền thống, tết là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn với các bậc sinh thành, những người chân quý, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình có cơ hội phát triển hoặc làm ăn, buôn bán, kinh doanh. Biếu một khoản tiền là cách mà rất nhiều người vẫn lựa chọn và nếu được thì những tờ tiền mang đi biếu phải mới.
Một phong tục truyền thống khác của rất đông người dân Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung là đi lễ dịp tết. Do đền, chùa, miếu, phủ ngày càng nhiều, trong các cơ sở thờ tự ấy lại có rất nhiều… hòm công đức nên buộc lòng phải đổi tiền có mệnh giá lớn sang tiền có mệnh giá nhỏ mới đủ để dâng lên các ban. Dù không có sách nào chỉ dẫn nhưng người đi lễ tự quan niệm rằng tiền đi lễ phải thật mới. Tất cả những lý do trên đã khiến nhu cầu về tiền mới, tiền lẻ vào dịp tết luôn rất "nóng”.
Ông Đinh Trọng Giang - Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Năm nào, ngành ngân hàng cũng quán triệt cán bộ, nhân viên về vấn đề đổi tiền dịp tết, bản thân cũng cần tuyên truyền, tới người thân của mình; tuy nhiên, mấy chục năm làm trong ngành Ngân hàng, chưa có cái tết nào hết áp lực… đổi tiền mới, tiền lẻ”.
Anh Lê Hồng Phú - cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Mấy hôm nay, rất nhiều người thân, hàng xóm, bạn bè liên tục gọi điện hoặc đến tận nhà nhờ đổi tiền mới. Khéo léo giải thích, từ chối đến đâu cũng không thỏa mãn được mọi người. Nhiều người còn chuyển thẳng tiền vào tài khoản cá nhân rồi đặt luôn lịch hẹn 29 hoặc 30 tháng Chạp sẽ đến lấy; có trường hợp đóng tiền vào phong bì… khiến tôi không còn cách gì để từ chối”.
Không nhờ được nhân viên ngân hàng, nhiều người chọn cách liên hệ với những dịch vụ đổi tiền đang quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ” hoặc "đổi tiền mới” lên công cụ tìm kiếm Google hoặc Facebook thì kết quả sẽ là hàng nghìn bài viết công khai dịch vụ đổi tiền. Có cầu thì ắt sinh cung, đó là quy luật dù dịch vụ này đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua tìm hiểu cho thấy, mức phí đổi tiền mới mệnh giá 100.000 đồng hoặc 200.000 đồng dao động từ 3 đến 5%, tiền lẻ loại 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng mức phí lên đến trên 10%. Một con số đáng kể, đặc biệt mỗi giao dịch vài ba triệu đồng trở lên.
Thời gian gần đây xuất hiện loại dịch vụ mới đó là đổi tiền có số seri đẹp, mức phí sẽ tăng theo độ độc, hiếm hoặc phụ thuộc vào từng giao dịch. Việc giao dịch đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền độc lạ… phần lớn thông qua mạng xã hội. Quá trình giao dịch, bên nhận dịch vụ yêu cầu người có nhu cầu chuyển tiền trước nên nguy cơ lừa đảo rất dễ xảy ra, các nạn nhân rất khó đòi và cơ quan chức năng rất khó truy bắt.
Theo Thông tư số 25 ngày 2/12/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như NHNN, Chi nhánh NHNN, sở giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng theo Nghị định số 88, ngày 14/11/2019 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Quang Đạt - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, những năm qua NHNN không có chủ trương phát hành tiền lẻ vào dịp tết Nguyên đán. Ngành ngân hàng đã và đang chấp hành rất tốt Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, theo đó NHNN tổ chức tốt công tác cung ứng, điều hòa tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về cơ cấu và mệnh giá”.
Lê Phiên