Gia đình ông Bàn Hữu Huyện, thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trâu. Để đàn trâu phát triển tốt, gia đình ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi theo từng mùa; đồng thời, thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng vắc - xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Ông Huyện cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên quan tâm phòng chống dịch bệnh (PCDB) cho đàn gia súc. Trước hết là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và ấm về mùa đông, mát về mùa hè; đồng thời, thực hiện tiêm phòng định kỳ như vắc - xin phòng chống bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng để bảo vệ đàn trâu”.
Ông Ngô Quang Hà, thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng có 10 con bò được hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh.
Ông Hà cho biết: "Vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ thất thường, bò dễ mắc các loại bệnh như: tụ huyết trùng, LMLM. Do đó, chỉ một biểu hiện nhỏ là tôi phải chữa trị ngay, nếu không sẽ lây ra cả đàn. Chăn nuôi quy mô lớn là mình cần phải có đủ kiến thức về thú y, chăn nuôi”.
Hiện, tổng đàn gia súc chính của huyện Văn Yên có 125.870 con; trong đó, đàn trâu 15.700 con, bò 3.670 con, lợn 106.500 con, gia cầm trên 1 triệu con. Để bảo vệ tốt đàn vật nuôi, UBND huyện chỉ đạo các địa phương khi tái đàn phải yêu cầu người dân nhập con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong quá trình chăn nuôi, chỉ đạo nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình PCDB. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch của huyện thì các hộ dân cũng phải chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh.
Cùng đó, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong năm 2023 làm 2 đợt, với số lượng 7.970 liều vắc - xin tụ huyết trùng trâu, 10.390 liều vắc - xin tụ huyết trùng lợn, 10.290 liều vắc - xin dịch tả lợn, 7.50 liều vắc - xin dại chó, 14.300 liều vắc - xin LMLM trâu, bò và chủ động 1.900 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.
Ông Phạm Hồng Thắng - Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Để chủ động PCDB trên đàn vật nuôi, căn cứ trên kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện, hàng năm đơn vị đều chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi ở tất cả 172 thôn, tổ dân phố của 25 xã, thị trấn và phấn đấu số lượng gia súc tiêm phòng đạt trên 90%. Để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi hiệu quả, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương giám sát công tác tiêm phòng cũng như kịp thời phát hiện dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng cho tất cả các loại gia súc, gia cầm trong diện tiêm của các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình đúng chủng loại vắc - xin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người tham gia tiêm phòng”.
Mặt khác, UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng, tiêu độc. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: tăng thêm khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường báo ngay cho cán bộ thú y các xã, thị trấn để có những biện pháp xử lý kịp thời. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện theo đúng quy định.
Thanh Tân