Chấn Thịnh là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng cây ăn quả, trồng rừng, trồng dâu nuôi tằm, nông dân còn chú trọng phát triển chăn nuôi hàng hóa. Hiện, xã có tổng đàn gia súc chính là 8.142 con, với đàn trâu 792 con, tăng 56 con so với cùng kỳ; bò 345 con, tăng 40 con so với cùng kỳ; lợn hơn 7.000 con và đàn gia cầm các loại.
Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi, ngoài tập trung xây dựng, nâng cấp chuồng trại, tăng đàn, cải thiện phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi thì xã còn tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi như: bệnh tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn thông qua việc tiêm hơn 2.000 liều vắc - xin phòng dịch mỗi năm theo định kỳ; hướng dẫn nông dân chủ động phun dung dịch, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng quanh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi.
Thực hiện Nghị quyết 69 HĐND tỉnh, năm 2022 xã Chấn Thịnh đã xây dựng được 14 mô hình với tổng số tiền hỗ trợ 295 triệu đồng, gồm: 5 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; 2 mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên; 4 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 5 lợn nái kết hợp 50 con lợn thịt; 3 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 3 lợn nái kết hợp 15 con lợn thịt trở lên.
Ông Hoàng Văn Thao, thôn Bồ cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hàng năm thu nhập từ chăn nuôi lợn không đáng kể. Năm 2022, nhờ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, tôi đã nâng cấp chuồng trại và mua thêm giống về chăn nuôi với quy mô 15 lợn nái kết hợp trên 30 lợn thịt. Sau hơn một năm thực hiện, cùng với chăm sóc tốt và chủ động phòng chống dịch bệnh, nên đàn vật nuôi phát triển ổn định, giúp gia đình có thêm thu nhập cải thiện mức sống”.
Tại xã Bình Thuận, năm 2022 đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách về phát triển chăn nuôi đến toàn thể nhân dân cũng như hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình triển khai thực hiện các mô hình kinh tế, nhất là đảm bảo hoàn thiện thủ tục để nghiệm thu, thanh toán theo quy định.
Qua đó, xã thực hiện được 2 mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh, nâng tổng số hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 30 con đến 100 con/hộ lên 7 hộ. Hết năm tổng đàn gia súc chính của xã tăng lên 4.542 con, trong đó: đàn trâu 823 con, bò 40 con, lợn 3.677 con.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, thủy sản theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh, năm 2022, toàn huyện Văn Chấn đã thực hiện tổng kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ 368 triệu đồng gồm: hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ cho 92 cơ sở chăn nuôi với kinh phí 2.795 triệu đồng.
Trong đó, đã thực hiện 14 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 15 con trở lên; 18 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên; 7 cơ sở chăn nuôi lợn nội kết hợp có quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên và 53 cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên đều đã hoàn thành, được nghiệm thu, góp phần nâng tổng số cơ sở chăn nuôi hàng hóa theo phương thức bán công nghiệp, công nghiệp trên toàn huyện lên trên 680 cơ sở; nâng tổng đàn gia súc chính lên hơn 114.500 con, với đàn trâu 14.050 con, bò 7.650 con và hơn 92.800 con lợn cùng nhiều gia cầm các loại. Qua đó, đưa tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng có bước tăng trưởng mạnh (ước đạt 7.008 tấn, vượt 1% so với kế hoạch tỉnh giao).
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đã góp phần giúp huyện Văn Chấn nâng tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 đạt 1.355 tỷ đồng; bình quân thu nhập tăng lên 34,5 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4.959 hộ, chiếm tỷ lệ 16,07%...
Châu Á