Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và thuốc lá điện tử, và bổ sung đồ uống có đường. Đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cần phải đánh thuế mức phù hợp để hạn chế sử dụng.
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Bộ Tài chính cho biết bia và rượu đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình. Như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 50% được áp dụng từ năm 2013. Nhưng tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao nhất Đông Nam Á và có xu hướng tăng nhanh.
Chỉ tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỉ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người. Còn năm 2017, lượng bia tiêu thụ đã tăng lên 4 tỉ lít, năm 2020 là 4,2 tỉ lít.
Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam được Bộ Công Thương phê duyệt đến năm 2025, sản lượng sản xuất đạt 6 tỉ lít bia.
Mặt khác, mức thuế suất đối với rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mức thuế suất mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Trong khi ở nhiều nước, tỉ lệ này chiếm 40-85%.
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình…
Vì vậy, nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia, thời gian tới, Bộ Tài chính cho rằng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia.
Bổ sung đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngoài rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng.
Vì Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yêu tố gây bệnh tim mạch, đái tháo đường…
Theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Tình hình tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 50,7 lít/người năm 2018.
Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn ngày càng gia tăng, năm 2020, sản lượng đồ uống và nước ngọt có gas tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ lít và 1,5 tỉ lít.
Theo thông lệ quốc tế, tính đến năm 2021 có ít nhất 50 nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Còn trong ASEAN, có 6/10 nước đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Bộ Tài chính cũng định hướng áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75% từ năm 2019. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn ở mức cao.
Mặt khác, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…
Theo Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị các nước cấm thuốc lá điện tử hoặc áp dụng chính sách thuế để kiểm soát thuốc lá điện tử như đối với thuốc lá thông thường.
Giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,8%. Trong khi đó, tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50-80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...
(Theo TTO)