Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, huyện Văn Chấn đã thực hiện khá toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Đến nay, đã có 26/29 chỉ tiêu bảo đảm tiến độ theo Chương trình hành động (CTHĐ) số 10 ngày 10/10/2020 của Tỉnh ủy.
Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mộng Tuân cho biết: ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết đại hội Đảng các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và lớp nhân dân, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trong đó, Huyện ủy đã ban hành CTHĐ số 21 để cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, định hướng phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, 3 đột phá chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết thành mục tiêu, chỉ tiêu và những nhiệm vụ cụ thể. Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa thành 11 CTHĐ, 8 kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời, cho chủ trương để UBND huyện ban hành 8 đề án về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của huyện và 1 đề án xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). UBND huyện đã ban hành 16 kế hoạch để triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Huyện ủy.
Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung triển khai thực hiện phát triển kinh tế trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục duy trì và phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương như rừng trồng trên 12.600 ha, quế trên 9.000 ha, chè trên 4.500 ha, lúa nếp Tú Lệ 100 ha và cam 1.500 ha; nâng cao giá trị vùng nguyên liệu thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, hữu cơ; xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm ba ba gai, cam Văn Chấn, chè Shan tuyết Suối Giàng; xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong và măng sặt.
Hết năm 2022, huyện đã có 23 sản phẩm OCOP, 11 xã đạt chuẩn NTM. Văn Chấn cũng thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh cho 1.287 ha rừng nguyên liệu theo hướng bền vững; hỗ trợ 165 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc hữu cơ đặc sản.
Về định hướng phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới, ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: huyện phấn đấu đến năm 2025 có 12 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy đặc sản các loại; trong đó, mỗi mô hình có hiệu quả kinh tế đạt tối thiểu 250 triệu đồng/ha/năm hoặc tổng thu nhập của một mô hình đạt trên 2 tỷ đồng/năm trở lên; đáp ứng đảm bảo các yêu cầu về sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng… tạo ra các sản phẩm được chứng nhận OCOP; xây dựng được chuỗi liên kết giá trị đảm bảo khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; mỗi mô hình tối thiểu có ít nhất một doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết và 20 hộ tham gia sản xuất trở lên, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm gắn với các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến.
Cùng với đó, huyện hỗ trợ Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 4.000 ha rừng trồng trong năm 2023; hỗ trợ Công ty cổ phần Yên Thành thực hiện dự án liên kết sản xuất tre măng Bát độ theo chuỗi giá trị tại các xã: Tân Thịnh, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú với quy mô 150 ha.
Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, huyện đã tập trung phát triển theo hướng khai thác những tiềm năng, lợi thế như: chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng, thủy điện; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Thịnh; bảo tồn, duy trì và phát triển quy mô các làng nghề truyền thống; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.463 tỷ đồng, tăng 275 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, bằng 73,2% nghị quyết. Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh.
Phát triển du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế quan trọng; lượng khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng nhanh; trong đó năm 2022, Văn Chấn đón 170.000 lượt khách, tăng 105.000 lượt so với năm 2020; doanh thu đạt 130 tỷ đồng, tăng 91,5 tỷ đồng so với năm 2020, bằng 83% nghị quyết.
Văn hóa - xã hội được quam tâm chăm lo và có bước phát triển; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; qua đó, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến tham gia vào chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp; nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương chưa tạo được thương hiệu trên thị trường; công tác thu hút đầu tư còn hạn chế; chưa thu hút được các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực; giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn chưa có nhiều đột phá, đời sống của một bộ phận người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ, Bí thư Huyện ủy Mai Mộng Tuân cho biết: huyện tiếp tục phát huy tốt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy và các đồng chí Thường trực Huyện ủy đối với những việc khó, việc mới, vấn đề nhạy cảm, phức tạp.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, tập trung xây dựng Đảng bộ huyện thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận trong toàn xã hội, quyết tâm xây dựng huyện Văn Chấn phát triển "nhanh, bền vững và hạnh phúc”. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thực hiện nghiêm quy định về vai trò, trách nhiệm nêu gương và quy định thực hiện văn hóa, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 37 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ các cấp cho huyện, cho tỉnh.
Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung cơ cấu lại kinh tế trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; tập trung phát triển nông nghiệp đa mục tiêu gắn với xây dựng NTM bền vững; đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất quy mô vừa và nhỏ liền kề thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện; thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô lớn theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, kết hợp với các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, hộ gia đình, bảo đảm an toàn sinh học; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản, OCOP có giá trị cao của huyện; tập trung phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến, chế tạo các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định; tiếp tục thu hút các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế; phấn đấu trong năm 2023, thành lập 28 doanh nghiệp; 11 hợp tác xã và 40 tổ hợp tác; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác đã được thành lập.
Tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực; tiếp tục đưa 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện lên sàn thương mại điện tử Voso và PostMart; phấn đấu trên 50% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; quan tâm khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Mạnh Cường