Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc quản lý dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, có các giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án đầu tư; xây dựng bộ máy, nhân sự của cơ quan, đơn vị tham gia quản lý dự án đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Đồng thời, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý dự án, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, quan trọng cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư kiểm soát và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật đấu thầu về hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật. Việc quản lý, chấp thuận nhà thầu phụ phải tuân thủ đúng các quy định tại khoản 2 Điều 128 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Điều 47 Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và các quy định của Bộ Giao thông vận tải
Về vấn đề lựa chọn nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc, toàn diện và thực hiện nghiêm các nội dung quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản, chỉ thị của các cấp. Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng tại cơ quan, đơn vị theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại các Văn bản 9969 ngày 24/9/2021, Văn bản 4327 ngày 5/5/2022 (từ năm 2022 thực hiện đấu thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp, tư vấn, phi tư vấn sử dụng nguồn vốn trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ).
"Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo cấp phó, bộ phận tham mưu giúp việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đảm bảo các tiêu chí đánh giá, xét thầu phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án; đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ của dự án", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị lựa chọn nhân sự có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và có đủ điều kiện tham gia tổ chuyên gia đấu thầu; việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch và phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nội dung và tài liệu làm rõ trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, cần lưu ý phân tích, đánh giá kỹ các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công, huy động nhân sự, thiết bị, tài chính của nhà thầu đảm bảo thực hiện gói thầu đáp ứng chất lượng, tiến độ. Rà soát, kiểm tra kỹ về nguồn lực tài chính, cam kết cung cấp tín dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng và việc trùng lặp về nhân sự, máy móc thiết bị khi nhà thầu tham gia nhiều gói thầu.
Nghiêm cấm các hành vi dàn xếp, thông thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặt ra các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đặc biệt có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Giao thông vận tải về chất lượng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng. Nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, Bộ sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời sẽ xem xét việc giao nhiệm vụ quản lý các dự án tiếp theo.
Về quản lý hợp đồng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng theo đúng giải pháp thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật thi công đã được phê duyệt, yêu cầu các đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của dự án và quy định về quản lý đầu tư, quản lý chi phí xây dựng; quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án; quy định đầy đủ các chế tài xử phạt đối với Tư vấn thiết kế khi vi phạm hợp đồng.
Yêu cầu tư vấn giám sát huy động, bố trí đầy đủ nhân sự theo quy định của hợp đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường để đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao; quy định đầy đủ chế tài xử phạt để xử lý tư vấn giám sát khi vi phạm hợp đồng.
"Yêu cầu nhà thầu xây lắp tổ chức bộ máy quản lý, điều hành công trường với các nhân sự có đủ năng lực, kinh nghiệm; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, biện pháp tổ chức thi công, xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết các hạng mục chính trên công trường đảm bảo khoa học, khả thi ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án/gói thầu để tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu", văn bản nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, giám sát để nhà thầu bố trí nhân sự, thiết bị, máy móc thi công không đúng với nội dung đề xuất trong hợp đồng hoặc chấp thuận cho nhà thầu thay đổi biện pháp huy động nhân sự, thiết bị không phù hợp làm ảnh hưởng chất lượng, tiến độ dự án.
(Theo Tin tức)