Sau 3 năm liên kết với doanh nghiệp, chị Nhiệm mở rộng mô hình trồng dưa lên gần 2 ha, mỗi năm thu 4 vụ dưa hấu, dưa leo, 12 tấn quả. Chị cho biết: "Dưa là loại hoa quả bảo quản ngắn ngày, vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm đúng thời điểm rất quan trọng. Gia đình tôi đã thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm nên doanh nghiệp đã chấp thuận tới tận vườn thu mua sản phẩm với giá cả ổn định. Thông qua doanh nghiệp, chúng tôi cùng trao đổi về nhu cầu, xu hướng của thị trường trong thời gian tới để thống nhất về kế hoạch trồng và tiêu thụ sản phẩm. Đối với tôi, việc liên kết với doanh nghiệp đã giúp gia đình ổn định sản xuất hơn”.
Mô hình liên kết sản xuất sản phẩm dưa của gia đình chị Nhiệm cùng với sản phẩm gạo Bạch Hà là 2 mô hình liên kết theo chuỗi đã hình thành tại xã Bạch Hà. Chính quyền địa phương cũng nỗ lực tìm ra hướng đi cho sản phẩm: bưởi Diễn, thanh long và gỗ rừng trồng theo hướng liên kết chuỗi trong thời gian tới.
Tại xã Đại Minh - địa phương đã hình thành vùng trồng bưởi đặc sản chủ lực của huyện, người dân đã phát triển kinh tế bền vững từ nghề trồng bưởi. Với gần 1.000 trồng bưởi các loại, người dân ở đây đã thông thạo các kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, đáp ứng nhu cầu từng thị trường đề ra.
Theo đó, người dân đã lai tạo, cấy ghép thuần thục trên cây bưởi, trồng thêm nhiều giống mới cho thu về các sản phẩm đạt chất lượng cao như: bưởi Đại Minh, bưởi Diễn, bưởi Soi Hà, bưởi da xanh...; cấy ghép cây bưởi da xanh, bưởi Diễn lên gốc bưởi Đại Minh cho ra sản phẩm mới, độc lạ.
Thêm vào đó, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động trong việc liên kết sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường nhất định. Mỗi năm, người trồng bưởi tại xã Đại Minh thu nhập từ 40 - 50 tỷ đồng, nhiều hộ thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Người dân địa phương đã được tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận với các doanh nghiệp, HTX để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững... Cùng với đó, sản phẩm bưởi Đại Minh đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Từ mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ở xã Đại Minh, đến nay, huyện Yên Bình đã hình thành vùng trồng bưởi rộng lớn với trên 26 ha, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; chính quyền địa phương thường xuyên tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, người dân đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi theo nhu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường, từ đó tự tin giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để tìm những chuỗi liên kết bền vững.
Theo ông Phạm Thành Đạt - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, huyện sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các địa phương và người dân, đặc biệt là nông dân, thay đổi cách thức liên kết sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; định hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng quy hoạch và có lợi về mặt kinh tế - xã hội và môi trường; chỉ đạo các địa phương đăng ký xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã xây dựng được 23 sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Trong sản xuất nông nghiệp bền vững, người nông dân giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, cần thay đổi hình thức canh tác truyền thống theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất ra nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn gắn liền với thương hiệu của từng nông hộ.
Khi nông dân tiếp cận với các doanh nghiệp, được doanh nghiệp và Nhà nước hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh cần tuân thủ theo đúng những yêu cầu đã đề ra. Đối với các HTX, cần củng cố vai trò, uy tín, nâng cao năng lực tư duy kinh doanh, kỹ năng quản lý và khả năng phân tích thị trường của các lãnh đạo, thành viên.
Hoài Văn