Lặng thầm, nhưng vô cùng quan trọng trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ, đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội. Từ chức năng nhiệm vụ của mình, chính sách thuế, nhiệm vụ chi, quản lý biên chế, cho đến phát triển sản xuất… đều được đưa lên bàn cân để làm sao hợp lý nhất, thiết thực nhất và phù hợp nhất. Đó là công việc của những cán bộ "làm ngân sách" - ngành tài chính.
Thực hiện Quyết định 1482/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy đối với Sở Tài chính, sau khi sắp lại, đến nay, bộ máy tổ chức của Sở có 6 phòng chuyên môn, với tổng số 57 công chức, người lao động.
Công tác tham mưu ban hành các văn bản được thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành kịp thời các chính sách, chế độ thực hiện trên địa bàn về phát triển KTXH, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và chủ động nguồn lực phòng chống dịch Covid-19.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở đã chủ trì tham mưu với UBND tỉnh ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật gồm 13 nghị quyết của HĐND tỉnh và 13 quyết định của UBND tỉnh đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, phối hợp với các sở, ngành tham mưu ban hành, sửa đổi các nghị quyết của HĐND tỉnh để kịp thời xây dựng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo đúng quy định hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Giám đốc Sở Tài chính cho biết: từ đầu nhiệm kỳ, tình hình KTXH gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, toàn ngành tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp thu chi, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện "nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển KTXH, đảm bảo đời sống nhân dân.
Trong đó, Sở đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm; phân công cụ thể nhiệm vụ, thời gian cho từng bộ phận, đơn vị thực hiện và chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm; kịp thời tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước.
Kết quả thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán tỉnh giao, các cân đối lớn của địa phương được đảm bảo, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Năm 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.594 tỷ đồng, tăng 42% so dự toán trung ương giao, tăng 8,9% so dự toán tỉnh giao và tăng 1,5% so thực hiện năm 2019; năm 2021 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.395 tỷ đồng, tăng 71,4% so dự toán trung ương giao, tăng 9,9% so dự toán tỉnh giao và tăng 22,3% so thực hiện năm 2020; năm 2022, tổng thu ngân sách đạt 4.616,7 tỷ đồng, bằng 178,4% dự toán trung ương giao, bằng 100,4% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 105,5% so với cùng kỳ.
Đến hết tháng 4/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 970,1 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán trung ương, bằng 18,7% dự toán HĐND tỉnh và bằng 18,1% chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Với việc khai thác có hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn và được sự trợ giúp kịp thời từ ngân sách trung ương; sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và tổ chức điều hành ngân sách, ngân sách địa phương năm 2020 - 2023 đã bảo đảm đáp ứng được đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán và các nhiệm vụ chính trị phát sinh, bảo đảm chi an sinh xã hội, đặc biệt là kinh phí phục vụ đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh phí bầu cử đại biểu HĐND các cấp, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai…
Năm 2020, tổng chi ngân sách địa phương năm là 14.852 tỷ đồng, bằng 130,5% so với dự toán tỉnh giao, hủy bỏ dự toán không chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 để thu hồi về ngân sách tỉnh số tiền 163,7 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách tỉnh các nguồn kinh phí đã hết nhiệm vụ chi tại ngân sách huyện 62,6 tỷ đồng; rà soát các nhiệm vụ chi nhằm tiết kiệm chi để đầu tư các công trình, dự án quan trọng cấp bách của tỉnh 1.050,4 tỷ đồng; giảm cấp đối với các khoản chi đã kết cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh trong dự toán năm 2020 là 119,1 tỷ đồng.
Năm 2021, tổng chi ngân sách địa phương là 11.427,8 tỷ đồng, tăng 3,9% so với dự toán tỉnh giao, hủy bỏ dự toán không chuyển nguồn sang năm 2021 thu hồi về ngân sách tỉnh 637,67 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách tỉnh các nguồn kinh phí đã hết nhiệm vụ chi tại ngân sách huyện 91,55 tỷ đồng; rà soát các nhiệm vụ chi nhằm tiết kiệm chi để đầu tư các công trình, dự án quan trọng cấp bách của tỉnh 962,4 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 11.502 tỷ đồng, bằng 95,7% dự toán tỉnh giao và bằng 79,1% so với năm 2021, hủy bỏ dự toán không chuyển nguồn sang năm 2022 để thu hồi về ngân sách tỉnh số tiền 605,5 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách tỉnh các nguồn kinh phí đã hết nhiệm vụ chi tại ngân sách huyện 70,3 tỷ đồng, rà soát các nhiệm vụ chi nhằm tiết kiệm chi để đầu tư các công trình, dự án quan trọng cấp bách của tỉnh 846,6 tỷ đồng. 4 tháng 2023, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 5.168,4 tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán tỉnh giao và bằng 123,5% so với cùng kỳ năm trước, hủy bỏ dự toán năm 2022 thu hồi về ngân sách tỉnh để chi đầu tư các công trình, dự án quan trọng cấp bách của tỉnh 439,6 tỷ đồng.
Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh năm 2023, ngành tài chính Yên Bái tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.
Quang Thiều