Trong chỉ thị ngày 8/6 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng.
Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.
Mỗi hộ gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.
Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia); hết năm 2025 tất cả đèn đường sử dụng bóng LED.
Để đạt mục tiêu này, các cơ quan, công sở phối hợp với công ty điện lực địa phương xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, mỗi năm giảm 5% tổng điện năng tiêu thụ; ban hành nội quy tiết kiệm điện.
Người lao động của các cơ quan được kêu gọi tiết kiệm điện và đưa nội dung này vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, thi đua khen thưởng hàng năm.
Các đơn vị vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời phải dùng đèn tiết kiệm điện; điều khiển tự động; dùng năng lượng mặt trời; chiếu sáng theo khung thời gian.
Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư... tắt hoặc giảm nửa hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào buổi tối; phát động tiết kiệm điện trong cao điểm hè.
Cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ phổ biến nội dung tiết kiệm điện đến khách hàng; khuyến khích dùng năng lượng tại chỗ, năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia thỏa thuận tự nguyện tiết kiệm điện và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; huy động điện dự phòng khi thiếu điện; hạn chế dùng thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm. Những cơ sở tiêu thụ điện từ một triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Dây chuyền lạc hậu cần loại bỏ.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng chương trình khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình dùng điện mặt trời trên mái nhà.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng của hệ thống. EVN huy động hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập, năng lượng tái tạo và các nguồn dự phòng của khách hàng.
Trước đó ngày 7/6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. "Nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày", ông Hòa nói.
Trước khó khăn cung ứng điện, EVN đã phải cắt điện ở miền Bắc. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ bị giảm 3.609 MW lúc 16h30, trong đó khu vực công nghiệp lớn giảm khoảng 1.423 MW, khu sinh hoạt là 1.264 MW.
Hiện nhiều nơi ở miền Bắc thường xuyên bị cắt điện và phần nhiều là không báo trước.
(Theo VnExpress)