Yên Bái được mùa lúa xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2023 | 7:44:31 AM

YênBái - Mặc dù sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến khá phức tạp (giá rét, mưa to, dông lốc, sâu bệnh gây hại...) nhưng nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ sản xuất, Yên Bái vẫn đạt năng suất lúa xuân cao hơn so với vụ xuân năm trước.

Nông dân Lục Yên thu hoạch lúa xuân. (Ảnh: Văn Tuấn)
Nông dân Lục Yên thu hoạch lúa xuân. (Ảnh: Văn Tuấn)

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh về kết quả sản xuất vụ xuân 2023.

P.V: Xin ông đánh giá sơ bộ kết quả nổi bật của vụ xuân năm 2023?

Ông Nguyễn Xuân Huy: Bước vào sản xuất vụ xuân 2022 - 2023, nhà nông đã gặp nhiều khó khăn như: thời tiết diễn biến khá phức tạp, sâu bệnh gây hại, giá vật tư, phân bón tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao... 

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của tỉnh, ngành nông nghiệp, các ngành chức năng, sự tích cực trong chỉ đạo, triển khai thực hiện của các địa phương, sự nỗ lực vượt khó của nông dân, toàn tỉnh đã gieo trồng 53.056 ha cây trồng các loại, dự kiến, năng suất, sản lượng đều tăng so với kế hoạch và so với cùng kỳ vụ xuân năm trước. 

Riêng lúa xuân, diện tích gieo cấy đạt 19.472 ha/18.970 ha, bằng 102% kế hoạch, đánh giá sơ bộ, năng suất ước đạt 56,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 109.519 tấn, tăng 329 tấn so với vụ xuân trước. Nhiều nơi có năng suất vượt trội như: thị xã Nghĩa Lộ 61,5 tạ/ha, Văn Chấn đạt 58,2 tạ/ha, Lục Yên 57,3 tạ/ha, Văn Yên 56,8 tạ/ha. 


Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh  Yên Bái.

P.V: Như vậy, đây tiếp tục là một vụ sản xuất được mùa và nhân tố nào quyết định thắng lợi, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Huy:  Có nhiều yếu tố giúp sản xuất vụ xuân năm nay giành thắng lợi. Trước tiên, phải kể đến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh tiếp tục được thực hiện, khuyến khích phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ưu tiên chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo sản xuất: chuẩn bị đủ lượng vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp đủ và điều tiết nước tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ làm đất, áp dụng thực hiện đúng định hướng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, trà lúa; trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 55 - 60%, giống lúa thuần chiếm 40 - 45% diện tích gieo cấy và sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái các vùng, các huyện, thị. 

Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, dự tính dự báo và chủ động phòng trừ sâu bệnh; vì vậy, các điểm phát sinh ổ dịch, sâu bệnh gây hại được phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; qua đó, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và chủ động xây dựng các văn bản chỉ đạo sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong triển khai, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết như: áp dụng phương pháp làm mạ che nilon hạn chế tác hại của rét đậm, rét hại; điều tiết tưới tiêu hợp lý; tiết kiệm... nên đã khắc phục được hạn hán, thiếu nước trong các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đặc biệt, chủ động trong phòng chống và khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, nhất là mưa lớn, dông lốc giai đoạn cuối vụ, nên đã hạn chế, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về năng suất, sản lượng cây trồng.

P.V: Hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Vậy, yếu tố này được thể hiện thế nào trong vụ xuân năm 2023, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Huy: Nhằm cụ thể hóa chủ trương tích hợp đa giá trị giữa sản xuất nông nghiệp với các lĩnh vực kinh tế khác, trong đó có hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm tại các địa phương. 

Trong chỉ đạo sản xuất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống lúa vụ xuân sát sao về thời vụ gieo trồng cho từng giống, từng trà, từng địa bàn xuyên suốt từ vụ xuân, vụ mùa về làm đất, đổ nước, gieo mạ, cấy để đảm bảo các giống lúa, trà lúa sinh trưởng, phát triển thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho năng suất, sản lượng đảm bảo an ninh lương thực và cơ bản thời điểm đổ nước, trỗ, chín cùng thời điểm thời gian tổ chức các mùa lễ hội tại địa phương. 

Đặc biệt là, chú trọng tu sửa hồ, đập, mương máng cung cấp nước phục vụ lễ hội mùa đổ nước; đồng thời, lựa chọn bộ giống và áp dụng các biện pháp canh tác, chăm sóc để kéo dài thời gian lúa chín, thời gian thu hoạch trong vụ mùa gắn với du lịch lễ hội mùa vàng tại huyện Mù Cang Chải. 

P.V: Xin ông cho biết kế hoạch, giải pháp cho sản xuất lúa vụ mùa?

Ông Nguyễn Xuân Huy: Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 137.195 tấn; trong đó, diện tích lúa mùa gieo cấy 21.960 ha, sản lượng 106.910 tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, căn cứ khung lịch của tỉnh, các địa phương xây dựng khung lịch gieo cấy cụ thể cho từng tiểu vùng sinh thái, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. 

Tận dụng tối đa đất đai, nguồn nước, huy động mọi nguồn lực gieo cấy theo khung lịch hướng dẫn và phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch, đặc biệt là diện tích lúa hè mùa sớm khoảng 5.500 - 6.500 ha để chuẩn bị đất cho gieo trồng cây vụ đông. Xây dựng phương án cụ thể cho công tác phòng chống và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để khắc phục kịp thời nếu có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. 

Thực hiện tốt kiểm tra, vận hành các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, tổ chức nạo vét, tu sửa công trình từ đầu mối đến kênh dẫn đảm bảo cung cấp nước tưới. 

Cùng đó, các địa phương chỉ đạo liên kết nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo sự đồng thuận trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp, tăng tỷ lệ các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. 

Khuyến khích áp dụng các biện pháp thâm canh, bón phân cân đối, hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến (3 giảm, 3 tăng, thâm canh lúa cải tiến (SRI)), xây dựng mô hình "cánh đồng một giống”, tăng cường sản xuất lúa được cấp chứng nhận chất lượng... 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thông (thực hiện)

Tags Yên Bái lúa xuân mưa to dông lốc sâu bệnh bảo vệ thực vật

Các tin khác
Lãnh đạo xã Nậm Lành trao đổi với nhân dân thôn Ngọn Lành về việc bê tông hóa đường nông thôn.

Huyện Văn Chấn đang tập trung huy động mọi nguồn lực với mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã hoàn thành xã NTM nâng cao; đến năm 2025 cơ bản các xã trong lộ trình cán đích và tiến hành xây dựng huyện NTM trong giai đoạn 2025 - 2030.

Hạn mức tín dụng là “cánh cửa” điều tiết hợp lý lạm phát và tăng trưởng.

Hạn mức tín dụng (room tín dụng), theo một số ý kiến là mang tính hành chính và nên sớm gỡ bỏ, song từ góc nhìn của cơ quan quản lý cũng như một số chuyên gia, Việt Nam vẫn có lý do để duy trì công cụ này.

Với những mẹo nhỏ và đơn giản, các hộ gia đình có thể cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ trong mùa hè nắng nóng, nhờ đó giảm chi phí tiền điện hằng tháng.

Cuối tuần, vàng trong nước tăng giá, cao hơn thế giới 12 triệu đồng/lượng.

Phiên giao dịch ngày 17/6, giá vàng trong nước tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp và hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục