Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh, với trên 4.600 ha. Hiện tại, toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP từ cây chè gồm: Tuyết Sơn Trà, Chè xanh Shan tuyết Giàng Pằng, Chè trắng Giàng Pằng, Chè lên men Giàng Pằng, Đại Lão Vương Trà - Diệp Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hồng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hoàng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Bạch Trà Suối Giàng.
Năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm 5 sản phẩm, nâng tổng số lên 13 sản phẩm chè OCOP.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện tuyên truyền người dân tích cực canh tác chè theo hướng hữu cơ, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh, xây dựng vùng sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm; duy trì các chứng nhận VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, xây dựng các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên… giúp gia tăng giá trị kinh tế, góp phần khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của địa phương.
Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian qua, huyện tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và xây dựng các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây chè”.
Nằm trong vùng sản xuất chè trọng điểm của huyện Trấn Yên, cây chè đã được người dân xã Bảo Hưng trồng từ hàng chục năm nay. Diện tích chè trên địa bàn xã hiện lên tới gần 154 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Khe Ngay, Trực Thanh và Ngòi Đong. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về diện tích và kinh nghiệm từ nhiều năm nay của nhân dân trong phát triển cây chè, cấp ủy, chính quyền xã Bảo Hưng đã từng bước hướng người dân phát triển chè đảm bảo quy trình, chất lượng của sản phẩm OCOP.
Nhờ đó, đến nay, xã đã có 3 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP là: chè Bát Tiên, chè xanh và trà túi lọc Bát tiên. Là sản phẩm đầu tiên của xã được công nhận đạt chuẩn OCOP, chè Bát Tiên có diện tích trên 70 ha, chiếm gần một nửa tổng diện tích chè trên địa bàn xã.
Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, chè Bát Tiên Bảo Hưng đượm hương hơn hẳn so với chè ở các địa phương khác, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Từ thành công của sản phẩm chè Bát Tiên, xã Bảo Hưng đã tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc và phát triển các giống chè xanh như LDP1, LDP2. Trong đó, giống chè LDP1 có khoảng 50 ha. Đây là vùng nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra sản phẩm chè xanh chất lượng cao đạt OCOP 3 sao. Với 3 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP và nhiều giải pháp trong phát triển thị trường, đến nay, sản phẩm chè của xã đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước.
Với lợi thế vùng chè rộng trên 7.000 ha cộng với kinh nghiệm canh tác, chế biến chè từ hàng chục năm qua, người trồng chè trên địa bàn tỉnh đã chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ cây chè. Các chủ thể cũng nỗ lực xây dựng các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị cây chè.
Đến nay, toàn tỉnh có 19 sản phẩm chè đã được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Xây dựng các sản phẩm chè mang thương hiệu OCOP là hướng đi đúng của người trồng chè Yên Bái, được người dân hưởng ứng, tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Chương trình OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của cây chè trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy các địa phương khai thác các tiềm năng, lợi thế nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, đưa sản phẩm mang thương hiệu đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Duyên