Tháng 6 vừa qua, ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bán được 4 tấn lợn hơi với giá 62.000 đồng/kg, thu về gần 250 triệu đồng. Giá lợn, gà tăng là tin vui đối với các hộ chăn nuôi, sau một thời gian dài thua lỗ.
Ông Đao chia sẻ: "Những năm trước, giá lợn hơi thấp, tôi nuôi cầm chừng. Hơn tháng nay, giá nhích dần, bà con chúng tôi rất phấn khởi vì bù đắp lại được nguồn vốn trong thời điểm lợn rớt giá. Với mức giá này, mỗi con lợn có trọng lượng trung bình 100 kg, chúng tôi có lãi gần 1 triệu đồng sau khoảng 6 tháng chăn nuôi. Nhà tôi hiện nuôi 170 con lợn thịt và 15 lợn nái. Nếu giá cả như hiện tại, tôi sẽ duy trì và khả năng sẽ nuôi kín các ô chuồng”.
Qua tìm hiểu, được biết, từ đầu tháng 6 trở lại đây, giá lợn hơi liên tục tăng. Mức giá hiện tại đạt 65.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 5. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi khá. Cùng với giá lợn tăng thì sau gần 1 năm sụt giảm, gần đây giá gà cũng đã tăng trở lại và hiện tại đạt 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi phấn khởi tăng đàn.
Anh Nguyễn Văn Chung ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho biết: "Gần 1 năm qua, giá gà thịt giảm chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ buộc phải "treo chuồng".
Hơn 1 tháng nay giá gà bắt đầu nhích dần lên, chúng tôi đã có lãi”. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chăn nuôi nhận định: giá lợn, gà tăng vào thời điển này thì ít nhất sẽ giữ giá hoặc tiếp tục tăng trong năm nay và nếu có giảm thì cũng không giảm đến mức làm người nuôi thua lỗ bởi hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đang vào mùa và phục hồi mạnh mẽ trở lại sẽ làm tăng nhu cầu về thực phẩm.
Đặc biệt, càng gần đến cuối năm, nhu cầu này càng tăng mạnh phục vụ cho các hoạt động cưới hỏi, lễ hội. Trước sự khởi sắc của thị trường, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực quan tâm đến biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Cùng với giá lợn, gà tăng, một tín hiệu vui nữa đối với bà con đó là giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu "hạ nhiệt". Trước đó, tính từ tháng 10/2020 đến cuối tháng 5/2023, giá thức ăn tăng 40%, từ đầu tháng 6 đến nay đã giảm 400 đồng/kg, tương ứng giảm 10.000 đồng/bao 25 kg. Điều này, có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.
Anh Nguyễn Văn Lịch ở thôn Trạng Xô, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên - chủ trang trại chăn nuôi lợn cho biết: "Giá thức ăn chăn nuôi "hạ nhiệt” giúp chúng tôi giảm bớt nỗi lo khi đầu tư sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi mong đầu ra sản phẩm ổn định hơn nữa để đạt hiệu quả trong chăn nuôi”.
Có thể thấy, giá lợn, gà tăng, giá thức ăn chăn nuôi giảm là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, bà con được khuyến cáo không nên tăng đàn ồ ạt khi không đủ thông tin về thị trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 7, tổng đàn gia súc chính ước đạt 779.255 con, đạt 95% kế hoạch năm 2023; trong đó, đàn lợn 644.254 con; tổng đàn gia cầm đạt 6.803.229 con, đạt 94% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 7 tháng ước đạt 48.508 tấn.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng: "Gần đây, giá các sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại, giúp người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và giá cả đầu ra vẫn là điều khó dự đoán. Vì vậy, bà con không nên tái đàn ồ ạt khi thấy giá lợn, gà tăng, mà cần cân nhắc tùy theo tình hình thực tế chuồng trại và nhu cầu của thị trường”.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi tại các trang trại, gia trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Từ nay đến cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ động giám sát dịch bệnh, phát hiện, xử lý kịp thời khi phát hiện dịch bệnh và không để dịch bệnh lây ra diện rộng. Thực hiện nghiêm quy định về công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiếp tục hướng dẫn các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất liên kết, củng cố liên kết theo chuỗi để đảm bảo sản xuất bền vững. Tăng cường kết nối thị trường trong, ngoài tỉnh, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh, thành phố lớn theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi, Chương trình OCOP. Cùng đó, Chi cục sẽ lựa chọn một số cơ sở chăn nuôi đã áp dụng chăn nuôi theo quy chuẩn, tiêu chuẩn như: chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP... để xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng…
Với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và người dân, ngành chăn nuôi của tỉnh được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Hồng Duyên